0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 23/12/2024 10:42 (GMT+7)

Vạch trần thủ đoạn của nhóm đối tượng đấu giá 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn

Theo dõi KT&TD trên

Liên quan đến vụ án trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất tại phiên đấu giá diễn ra tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn ngày 29/11/2024, Cơ quan điều tra đã thu thập được các tài liệu, vật chứng chứng minh ý thức phạm tội, bàn bạc; vai trò chủ mưu của đối tượng cầm đầu...

Danh tính các đối tượng trong vụ án gồm Phạm Ngọc Tuấn (sinh năm 1991; trú tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội), Ngô Văn Dương (sinh năm 1994; trú tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh), Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1992; trú tại phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Nguyễn Thế Trung (sinh năm 1994; trú tại xã Xuân Nộn), Nguyễn Thế Quân (sinh năm 1994; trú tại xã Xuân Nộn).

Vụ việc có nhiều bất thường

Theo cơ quan Công an, ngày 29/11, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90-224m² với giá khởi điểm 2,48 triệu đồng/m². Tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng/lô (20% tổng giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm).

Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.

Tuy nhiên, đến vòng thứ 5, một số thửa đất được người tham gia trả giá cao bất thường. Trong đó, Phạm Ngọc Tuấn trả 30 tỷ đồng/m² cho 3 thửa đất (số A12, A13, C6). Khách hàng Ngô Văn Dương trả 101,4 triệu đồng/m² cho 13 thửa đất. Hai khách hàng gồm Nguyễn Thế Quân, Nguyễn Thế Trung trả 98,4 triệu đồng/m² cho 10 thửa đất. Tương tự, 10 lô đất khác cũng được Nguyễn Thị Quỳnh Liên và Nguyễn Đức Thành trả giá lần lượt 50,4 triệu đồng/m²; 59,4 triệu đồng/m²; 62,4 triệu đồng/m²; 68,4 triệu đồng/m².

Tuy nhiên, đến vòng đấu cuối cùng - vòng 6, 36 thửa đất trên đều không được các khách hàng trên trả giá nữa, xin rút. Vì không tiếp tục tham gia trả giá nên các lô đó không thể đấu giá thành công. Kết thúc buổi đấu, chỉ có 22 trên tổng số 58 thửa đất được bán thành công.

Vụ việc có nhiều bất thường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu giá đất đai, gây xôn xao dư luận nhân dân. Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra xác minh, làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các đối tượng.

Trong chưa đầy 48 giờ đồng hồ kể từ khi nắm bắt thông tin, Cơ quan điều tra đã thu thập được các tài liệu, vật chứng chứng minh ý thức phạm tội, bàn bạc; vai trò chủ mưu của đối tượng cầm đầu trong nhóm này là Phạm Ngọc Tuấn - nhân viên ngân hàng và triệu tập nhóm đối tượng liên quan để lấy lời khai.

Thủ đoạn tinh vi, bài bản

Theo cơ quan Công an, đây là nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động tinh vi, bài bản. Nhóm này gồm các đối tượng từng chung tiền mua bất động sản, và có kinh nghiệm, kiến thức sâu về lĩnh vực này. Chính vì vậy, nhóm này đã bắt tay nhau thực hiện hành vi vi phạm hoạt động bán đấu giá đất.

Vạch trần thủ đoạn của nhóm đối tượng đấu giá 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn
Phạm Ngọc Tuấn (ngoài cùng bên phải) và các đối tượng liên quan.

Trước đó, tháng 11/2024, Phạm Ngọc Tuấn biết được thông tin về cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn (thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, do UBND huyện Sóc Sơn tổ chức) nên đã nhờ Ngô Văn Dương mua hồ sơ đấu giá do Công ty Thanh Xuân (địa chỉ: phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - đơn vị phối hợp tổ chức cuộc đấu giá phát hành.

Để chắc chắn trúng đấu giá được các lô đất như ý, Phạm Ngọc Tuấn thỏa thuận, bàn bạc với Nguyễn Thị Quỳnh Liên (sinh năm 1981; trú tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội), Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân và Ngô Văn Dương về việc cùng tham gia đấu giá và bàn bạc thống nhất sẽ thực hiện việc nâng giá tại buổi đấu giá.

Cụ thể, Tuấn đã đưa ra bảng giá tham khảo đối với từng lô đất do Tuấn tính toán, chuẩn bị từ trước. Theo bảng tính này, các lô đất có giá trị dao động khoảng từ 20 triệu đồng đến 32 triệu đồng/m², ước tính từ 1,7 tỷ đồng - 3,9 tỷ đồng/lô đất.

Các đối tượng xác định đây là giá cao nhất có thể mua của từng lô đất nên nếu ở vòng thứ 4, người trả giá cao nhất vẫn ở dưới mức giá Tuấn đã ghi trong bảng tính thì nhóm Dương, Liên, Thành, Quân và Trung sẽ tham gia tiếp vòng thứ 5 và vòng thứ 6, nhưng không trả giá vượt quá mức giá do Tuấn đã thẩm định.

Nếu vòng thứ 4 có người trả giá vượt mức giá tối đa do Tuấn đưa ra thì các đối tượng sẽ đưa ra một mức giá cao bất thường tại vòng thứ 5, nhưng bỏ đấu giá tại vòng cuối cùng (vòng thứ 6); vì vậy, việc đấu giá sẽ buộc phải dừng để tổ chức đấu giá lại vào lần sau, do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế.

Khi đó các đối tượng sẽ không mất tiền đặt cọc và sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá để mua được lô đất như mong muốn. Để thực hiện ý đồ, các đối tượng đã chuyển khoản tiền cho Dương và Tuấn; sau đó Tuấn chuyển khoản tổng số tiền 3,616 tỷ đồng cho Công ty Thanh Xuân để đặt cọc đấu giá mua đất.

Thực tế tại phiên đấu giá ngày 29/11/2024, ban đầu các đối tượng đấu giá theo trình tự giá đạt mức có thể mua được. Nhưng khi phát hiện giá đấu của 36/58 lô đất vượt mức tối đa mà các đối tượng đã bàn bạc từ trước; tại vòng đấu giá thứ 5 các đối tượng đã đưa ra mức giá rất cao, vượt xa giá khởi điểm; thậm chí Phạm Ngọc Tuấn còn đưa ra mức giá trên 30 tỷ đồng/m² (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm)… dẫn đến việc 36 lô đất đấu giá không thành công.

Bước đầu, các đối tượng đều khai nhận trước và trong khi tham gia đấu giá tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã nhiều lần gặp gỡ để trao đổi bàn bạc và thông đồng thống nhất việc nâng giá đấu giá tại buổi đấu giá do UBND huyện Sóc Sơn tổ chức.

Căn cứ các tài liệu chứng cứ đã thu thập được và lời khai của các đối tượng. Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an Hà Nội đã ra Lệnh khám xét chỗ ở của đối tượng và nơi làm việc của Phạm Ngọc Tuấn tại ngân hàng, kết quả thu giữ một số tài liệu liên quan đến vụ việc như Giấy tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, bảng kê chi phí đấu giá, thẻ nhớ camera, 1 cây vi tính …

Hiện vụ việc đang tiếp được Cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Bạn đang đọc bài viết Vạch trần thủ đoạn của nhóm đối tượng đấu giá 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kinh tế Việt Nam 2024: Tăng tốc thành công, tạo đà cho năm 2025 về đích
Với phương châm bản lĩnh linh hoạt, kịp thời hiệu quả, với năng lực và kinh nghiệm trong điều hành của Chính phủ cùng sự đồng hành kịp thời, hiệu quả của Quốc hội; với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đương đầu với khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp,

Tin mới

Phát hiện, tạm giữ hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu
Kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh hàng hoá là mỹ phẩm các loại trên địa bàn quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng; Đội QLTT số 3, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng tạm giữ gần 3.300 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm các loại nhập lậu và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, có trị giá hơn 40 triệu đồng.
Hà Nội: Ai đang "hô biến” đất dự án để làm bãi trông giữ xe tại Khu đô thị Belleville?
Tại ô đất B4 Khu đô thị mới Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có 5.000m2 đất được quy hoạch xây dựng gara cao tầng và trạm xăng. Thế nhưng, trong khi các hạng mục này chưa được triển khai, thì một số cá nhân đã có dấu hiệu xâm phạm, xây dựng các hạng mục để làm bãi trông giữ xe.