Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và 19 Tập đoàn,Tổng công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024
Đó là đánh giá của đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty diễn ra chiều 6/12, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty |
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban; các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban: Hồ Sỹ Hùng, Nguyễn Ngọc Cảnh và Nguyễn Cảnh Toàn; đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng và Trung tâm Thông tin và toàn thể công chức, viên chức, người lao động; cùng đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Năm 2024, nhiều Tập đoàn, Tổng công ty vượt xa kế hoạch doanh thu, lợi nhuận
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm và không đồng đều; giá một số hàng hoá cơ bản, dầu thô tiếp tục biến động mạnh; rủi ro về nợ công và các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản ở nhiều quốc gia còn hiện hữu; các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực diễn biến phức tạp… Tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là thể chế, cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý cho hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh báo cáo tại Hội nghị |
Nhận thức được rõ những thách thức, khó khăn của tình hình thế giới và trong nước; thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và kế hoạch công tác năm 2024, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội, hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ công tác năm 2024.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, năm 2024, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ, thúc đẩy các Tập đoàn, Tổng công ty duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Tích cực đổi mới phương thức, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, điều hành. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các Tập đoàn, Tổng công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và sắp xếp lại, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Ủy ban đã Chủ động trao đổi ý kiến, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết công việc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực tiễn. Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất để phát hiện các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tham gia ý kiến với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế đối với 17 văn bản liên quan đến Luật, 34 văn bản liên quan đến Nghị định, 24 văn bản liên quan đến các Thông tư.
Bên cạnh đó, Ủy ban tiếp tục thực hiện đầy đủ ngày càng chuyên nghiệp hơn chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty trong công tác tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước thuộc quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ đối với doanh nghiệp giao Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu; Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu được Chính phủ giao. Ủy ban cũng nghiêm túc triển khai công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; đồng thời, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Chính phủ; sự phối hợp của các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp liên quan và đặc biệt là sự chủ động, nỗ lực của Ủy ban trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đến nay, công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả đã đạt được những kết quả tích cực với việc vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành các kết luận về định hướng, nguyên tắc, trình tự xử lý đối với 4 dự án, doanh nghiệp: (i) Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2); (ii) Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM); (iii) Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS); (iv) Dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào.
Về thúc đẩy chuyển đổi số, Ủy ban đã nhanh chóng cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Đảng và Chính phủ; định hướng hoạt động công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Ủy ban, từng bước hình thành môi trường làm việc số; đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp tích cực triển khai các nội dung, giải pháp theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an. Đặc biệt, trong năm 2024, Ủy ban đã xây dựng Hệ thống báo cáo, quản trị hoạt động; tổ chức tập huấn cho 19 Tập đoàn, Tổng công ty và triển khai khai thác, sử dụng Hệ thống báo cáo, quản trị hoạt động từ tháng 5/2024.
Về tình hình tài chính hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, doanh thu ước đạt 2.030.572 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch năm và bằng 107% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 111.692 tỷ đồng, bằng 158% kế hoạch năm và bằng 156% so với cùng kỳ. Giá trị nộp Ngân sách Nhà nước ước đạt 206.206 tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch năm và bằng 105% so với cùng kỳ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Về tình hình đầu tư phát triển, năm 2024, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 160 nghìn tỷ đồng, bằng 130% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, các giá trị thực hiện đầu tư của một số dự án lớn, trọng điểm như sau:
- Lĩnh vực năng lượng: (i) Đã hoàn thành: Dự án đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối, đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối; (ii) Đang triển khai: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 (đạt khoảng 73%), dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (đạt khoảng 87%); Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (đạt khoảng 97%); Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (đạt khoảng 120%); chuỗi dự án điện - khí lô B (đạt khoảng 64%).
- Lĩnh vực giao thông, hàng không: Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (đạt khoảng 81%); Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4 tại Lạch Huyện, Hải Phòng (đạt khoảng 54%); Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi (đạt khoảng 20%); Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất: Giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành đạt khoảng 78%, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 155%; Dự án thành phần 3 - Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1: Giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành ước đạt khoảng 23%, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 67%.
Nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy hiệu quả kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước
Đồng chí Đặng Hoàng An – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình bày tham luận tại Hội nghị |
Trình bày tham luận tại Hội nghị, đồng chí Đặng Hoàng An – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Năm 2024 là năm thứ 4 EVN thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ đặt ra trong năm của EVN là hết sức nặng nề trong cả 2 khía cạnh đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính, đồng thời quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhu cầu phụ tải tăng cao, tình hình thiên tai bão lũ ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt ảnh hưởng của Cơn bão số 3 (Yagi) tại các tỉnh miền Bắc; công tác đầu tư xây dựng các dự án điện còn nhiều vướng mắc về thủ tục, thu xếp vốn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; việc đảm bảo cân đối tài chính gặp khó khăn do chi phí nhiên liệu vẫn ở mức cao…
Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ ngành liên quan, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công nhân viên nên trong năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt đảm bảo bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, hoàn thành toàn bộ tuyến đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Hà Tĩnh) đến Phố Nối (Hưng Yên) chỉ sau hơn 7 tháng thi công.
Theo đồng chí Đặng Hoàng An, năm 2024, EVN đã đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định trong bối cảnh nhu cầu điện tăng trưởng rất cao do kinh tế trên đà phục hồi, đặc biệt là giai đoạn thời tiết nắng nóng gay gắt tại cả 3 miền trong các tháng cao điểm mùa khô. Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2024 ước đạt 309,4 tỷ kWh, tăng 10,2% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, điện sản xuất và mua của EVN năm 2024 ước đạt 298,7 tỷ kWh tăng 9,94% so với thực hiện năm 2023. Điện thương phẩm toàn Tập đoàn năm 2024 ước đạt 276 tỷ kWh, tăng 9,98% so với năm 2023, trong đó điện cấp cho Công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 51,48%, tăng 10,2% so với năm 2023, điện cấp cho quản lý tiêu dùng chiếm tỷ trọng 35,35% và tăng 8,85% so với năm 2023.
Doanh thu bán điện toàn EVN năm 2024 ước đạt 575.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2023, trong đó, doanh thu của Công ty mẹ EVN ước đạt hơn 480.000 tỷ đồng. Về kết quả sản xuất, kinh doanh, EVN và các đơn vị rất nỗ lực thực hiện các giải pháp trong nội tại như tiết kiệm/cắt giảm các chi phí thường xuyên, chi phí sửa chữa lớn; tối ưu hóa dòng tiền, hoạt động tài chính. Đồng thời được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ ngành và điều kiện thủy văn năm 2024 diễn biến theo chiều hướng thuận lợi nên Công ty mẹ EVN năm 2024 dự kiến lãi trước thuế hơn 4.100 tỷ đồng. Giá trị nộp ngân sách năm 2024 toàn Tập đoàn ước đạt 25.000 tỷ đồng, bằng 101% so với năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hiển – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông MobiFone trình bày tham luận tại Hội nghị |
Trình bày tham luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Hiển – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết: Năm 2024 được đánh giá là một năm bản lề của MobiFone dù thị trường viễn thông vẫn gặp nhiều khó khăn và sự cạnh tranh gay gắt. Tổng công ty đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận quốc gia trước 20% và dự kiến tăng trưởng trên 30% trong năm 2024.
Bên cạnh đó, MobiFone đã thực hiện tái cơ cấu, tối ưu hóa doanh thu, chi phí và triển khai các dịch vụ số mới để đảm bảo lợi nhuận trong phát triển công nghệ và sản phẩm như triển khai công nghệ 5G và chuẩn bị các thiết bị công nghệ mới. MobiFone cũng đang phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số. Một số nền tảng do Mobiphone phát triển được công nhận là nền tảng số quốc gia nổi bật là phần mềm họp trực tuyến MobiFone Meet được Trung ương Đảng sử dụng trong các hội nghị trực tuyến quán triệt về các nghị quyết của Đảng.
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Hiển, Mobifone đã xác định chuyển đổi số là chiến lược ưu tiên hàng đầu, nhằm tối ưu hoá quy trình làm việc, nâng cao sức lao động, và phát huy tối đa hiệu quả ứng dụng công nghệ mới. Một trong những điểm nhấn của công tác chuyển đổi số tại Mobifone là ứng dụng trí tuệ nhân tạo thông qua trợ lý ảo giúp các nhân viên tiết kiệm thời gian và giảm tối đa sai sót trong công việc, nâng cao độ chính xác và hiệu quả trong các tác vụ hàng ngày. Ngoài ra, nhiều giải pháp số hóa toàn diện cho các công việc về hành chính, kế toán giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ nhân viên, đáp ứng được yêu cầu của môi trường kinh doanh nhân tạo.
Đồng chí Hoàng Gia Khánh – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trình bày tham luận tại Hội nghị |
Trình bày tham luận tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Gia Khánh – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết: Năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của VNR đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó lĩnh vực vận tải đường sắt chịu nhiều thiệt hại bởi các nguyên nhân khách quan như sự cố sụt lở đất đá khi nhà thầu thi công cải tạo, sửa chữa hầm Bãi Gió, Chí Thạnh, Cơn bão số 3 (Yagi)…
Bên cạnh những khó khăn, trong năm vừa qua, VNR đã nhận được nhiều sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Ban, bộ, ngành, địa phương cùng sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp, đối tác. Cùng với tinh thần đoàn kết, cố gắng, nỗ lực, sẵn sàng đối mới của tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty đã có nhiều chuyển biến tích cực mang tính đột phá.
Theo đồng chí Hoàng Gia Khánh, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của VNR năm 2024 vào ngày 9/1/2024; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024 được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt tại Quyết định số 09/QĐ-UBQLV ngày 9/1/2024, Tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và sản xuất vận tải. Dự kiến năm 2024, kết quả sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty tiếp tục duy trì được tăng trưởng với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong đó hành khách đi tàu đạt trên 7 triệu lượt hành khách, vượt 14% kế hoạch và cùng kỳ. Vận chuyển hàng hóa đạt trên 5 triệu tấn, vượt 5,5% kế hoạch và 9,8% cùng kỳ, Doanh thu hợp nhất của Tổng công ty ước đạt trên 9,5 nghìn tỷ đồng, vượt 6% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 130,4 tỷ đồng. Tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt được kiểm soát, 3 chỉ tiêu về tai nạn giao thông đường sắt đều thấp hơn trên 5% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, VNR đã hoàn hoàn thành việc cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc; đồng thời, tích cực tham gia góp ý cùng các cơ quan Nhà nước hoàn thiện Đề án chủ trương Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ngày 30/11/2024, Đề án đã được Quốc hội chính thức thông qua. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng chủ động chuẩn bị các nội dung để phục vụ tiếp nhận quản vận hành, khai thác, bảo trì tuyến đường sắt tốc độ cao. Tổng công ty cũng đã chủ động tìm hiểu, xúc tiến làm việc trao đổi với các đối tác trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội hợp tác nhằm nâng cao năng lực để chuẩn bị cho việc tham gia thi công xây dựng các dự án này.
Đồng chí Đặng Hồng Tuấn - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) trình bày tham luận tại Hội nghị |
Trình bày tham luận tại Hội nghị, đồng chí Đặng Hồng Tuấn - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết: Năm 2024, tổng sản lượng sản xuất kinh doanh của Vinacafe đạt 80.495 tấn. Tất cả đều vượt các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Các chỉ tiêu tài chính năm 2024 đều vượt so với thực hiện năm 2023, Vinacafe tiếp tục hoạt động hiệu quả, lợi nhuận tăng trưởng 24% so với cùng kỳ.
Về Tái cơ cấu, thực hiện Quyết định số 785/QĐ-UBQLV ngày 29/12/2023 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinacafe đến hết năm 2025, ngay từ đầu năm 2024, Tổng công ty đã nghiêm túc thực hiện đề án, đến nay cơ bản đã gần như hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra. Năm 2024, Tổng công ty đã đẩy mạnh hoạt động thương mại, cải tiến thương hiệu Vinacafe và bộ nhận diện nhân hiệu mới “VIETNAMCOFFEE", tung sản phẩm mới mang nhãn hiệu "VIETNAMCOFFEE" ra thị trường. Đồng thời, đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu “VIETNAMCOFFEE" 50 quốc gia, trong đó có các quốc gia lớn như Mỹ, Hàn, Nhật, Úc và Trung Quốc. Vinacafe đã tiêu thụ 525 tấn cà phê chế biến sâu. Điều này cho thấy sự phát triển bền vững và định hướng đúng đắn, cùng với sự chỉ đạo chiến lược linh hoạt của Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã giúp Vinacafe dần lấy lại được vị thế của mình trên thị trường.
Về công tác nhân sự, Vinacafe dang trong quá trình kiện toàn bộ máy lãnh đạo, được sự quan tâm và chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đầu năm 2024, Tổng công ty đã được Ủy ban chỉ định và bổ sung Thành viên phụ trách Hội đồng Thành viên. Tháng 9/2024, dưới sự hướng dẫn của Ủy ban, Tổng công ty cũng đã tổ chức quy trình công tác cán bộ bổ sung 1 vị trí Phó Tổng giám đốc. Những kết quả này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự lãnh đạo và phát triển bền vững của Vinacafe trong thời gian tới.
Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty trong năm 2024 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra, đóng góp cho nền kinh tế đất nước khoảng 10% GDP
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao công tác quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Ủy ban trong năm 2024. “Qua báo cáo tổng kết công tác năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 cho thấy Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty trong năm 2024 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra, đóng góp cho nền kinh tế đất nước khoảng 10% GDP. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty, đặc biệt là các Bộ, ngành liên quan đã có sự giúp đỡ, phối hợp để Ủy ban hoàn thành nhiệm vụ” - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ghi nhận và dẫn chứng 1 số đơn vị đã có sự tăng trưởng rất cao như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)… đã có những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, có mức tăng trưởng rất cao về doanh thu và lợi nhuận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Đến nay, công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương đã đạt được những kết quả tích cực với việc vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành các kết luận về định hướng, nguyên tắc, trình tự xử lý đối với 4 dự án, doanh nghiệp: Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2); Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM); Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS)... Ủy ban và các doanh nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ, có báo cáo trình Chính phủ và Bộ Chính trị về các dự án này.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Ủy ban đã chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty trong thi công và hoàn thành một số dự án trọng điểm của quốc gia, tiêu biểu như Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối. Các dự án đầu tư xây dựng: Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng được Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty bám sát chỉ đạo. “Đây là nét sáng tạo mới và thể hiện sự nỗ lực rất quan trọng. Thay mặt cho lãnh đạo Chính phủ, tôi xin nhiệt liệt biểu dương thành tích của Ủy ban Quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty” - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc: “Qua báo cáo tổng kết công tác năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 cho thấy Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty trong năm 2024 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra, đóng góp cho nền kinh tế đất nước khoảng 10% GDP. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty, đặc biệt là các Bộ, ngành liên quan đã có sự giúp đỡ, phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ” |
Cùng với những thành tựu, Phó Thủ tưởng Hồ Đức Phớc đã chỉ ra những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý vốn nhà nước để có biện pháp tháo gỡ. Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty cần tập tháo gỡ, tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành luật, sửa đổi toàn diện và thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13), từ đó, nâng cao được công tác quản lý vốn đầu tư và để các doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động trong sử dụng vốn đầu tư như vậy mới tăng sự cạnh tranh trong xu thế mới. Phó Thủ tưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh sự cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ để tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị trong quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, thời gian tới, Ủy ban cần phối hợp với các Bộ, ngành và các Tập đoàn, Tổng công ty để có phương án sắp xếp đảm bảo sự hiệu quả, phù hợp.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ |
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận định: Năm 2024, Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty; khắc phục tình trạng trước đây nhiều nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được thực hiện đầy đủ hoặc tồn đọng qua nhiều năm. 19 Tập đoàn, Tổng công ty cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2024; tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển. Tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên. “Một số Tập đoàn, Tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước; thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội” – Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh và biểu dương.
Theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị, Ủy ban xác định năm 2025 tới sẽ là khoảng thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV. Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là về sản xuất, thị trường, đầu tư,...; tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; đẩy mạnh đầu tư, phát triển góp phần xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, năng lượng, công nghiệp, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn... Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo điều kiện và lộ trình phù hợp.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh: “Một số Tập đoàn, Tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước; thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội” |
Đồng tình và thống nhất cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” trong giai đoạn quan trọng phát triển đất nước để bước vào “kỷ nguyên vươn mình”; theo đó, Ủy ban sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty về các Bộ, cơ quan liên quan theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. “Tôi hy vọng rằng dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty vẫn luôn nỗ lực cố gắng, phát huy tối đã năng lực, trách nhiệm để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước” – Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong những năm qua; đồng thời, tri ân những nỗ lực, tâm huyết của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã đóng góp vào sự phát triển chung của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm |