Tỷ giá USD hôm nay (16/2): Đồng USD tiếp tục giảm mạnh
Hôm nay (16/2), chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt giảm tuần 1,15%, xuống mức 106,79.
Đồng bạc xanh chốt tuần giao dịch bằng việc giảm 1,15%, xuống mức 106,79, sau khi Tổng thống Donald Trump trì hoãn việc áp dụng thuế quan thương mại, cùng với sự lạc quan về một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine trong tương lai gần, đã khiến đồng tiền chung châu Âu tăng giá.
Chỉ số DXY cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tuần, sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ giảm nhiều hơn dự kiến vào tháng 1, khiến các nhà giao dịch tăng đặt cược rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD tăng 0,28%, đạt mức 108,32, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết áp thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.
Quyết định này được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố có kế hoạch công bố mức thuế quan đối với nhiều quốc gia vào đầu tuần trước.
Tuy nhiên, đồng bạc xanh ngày 12-2 lại giảm 0,39%, xuống mức 107,93, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ không vội cắt giảm lãi suất ngắn hạn, trong bối cảnh các nhà giao dịch chờ đợi thông tin cụ thể hơn về các mức thuế thương mại của Tổng thống Donald Trump.
Chủ tịch Powell cho biết trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị của Thượng viện rằng, quan điểm về lãi suất phản ánh nền kinh tế Mỹ đang ổn định, với tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng chính tăng 0,5% vào tháng 1, trong khi chỉ số cốt lõi tăng 0,4%, cao hơn so với dự kiến. Trước đó, cả hai con số này được kỳ vọng sẽ tăng 0,3%. Con số này đưa mức tăng giá tiêu dùng chính lên 3,0% trong năm, cao hơn so với mức kỳ vọng tăng 2,9%, trong khi giá cốt lõi tăng với tốc độ hằng năm là 3,3%, cao hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế (tăng 3,1%).
Dẫu vậy, đến ngày 14/2, đồng USD một lần nữa giảm 0,87%, xuống mức 107,07, trong bối cảnh bản báo cáo giá sản xuất của tháng 1 chỉ ra lạm phát giảm ở mức thấp hơn, đặc biệt là sau khi Nhà Trắng tuyên bố chưa áp dụng ngay chính sách thuế quan đối với các quốc gia khác.
Dữ liệu giá sản xuất công bố ngày 13/2 cho thấy chỉ số PCE cốt lõi tháng 1, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, có khả năng thấp hơn dự kiến, bất chấp dữ liệu giá sản xuất tăng cao hơn dự kiến của các nhà kinh tế.
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 16/2, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng tuần 237 đồng, hiện ở mức 24.562 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức 23.384 đồng - 25.740 đồng.
Giá bán USD ở các ngân hàng thương mại lớn hầu hết giảm mạnh. Giá bán có nơi thấp nhất niêm yết là 25.570 đồng/USD.
Cụ thể, tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết hiện là 25.190 - 25.580 đồng/USD, mua vào và bán ra, giảm 50 đồng.
BIDV đóng cửa tại mức 25.220 - 25.580 đồng/USD, mua vào và bán ra, thấp hơn phiên trước 10 đồng cả hai chiều.
Cùng thời điểm, Techcombank niêm yết giao dịch ở mức 25.135 - 25.655 đồng/USD, hạ xuống thấp hơn phiên trước 10 đồng chiều mua và 20 đồng.
Tại Eximbank, tỷ giá USD hiện niêm yết ở mức 23.769 - 25.630 đồng/USD.
Còn ACB giao dịch tại 25.190 đồng/USD - 25.570 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 30 đồng cả hai chiều.
Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giao dịch quanh mốc 25.610 - 25.710 đồng/USD, giảm 50 đồng chiều mua và 40 đồng.
Tuệ Lâm (t/h)