Tuyên Quang: Cần làm rõ việc đất đá thải của dự án đường cao tốc đổ sai quy định
Nhiều xe ben tải cỡ lớn chở đá hộc từ công trường thi công đường cao tốc đổ xuống khu vực đất rừng sản xuất tại thôn Kỳ Lãm phường Đội Cấn, TP.Tuyên Quang...
Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc. Khi tuyến đường đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2; rút ngắn thời gian, khoảng cách kết nối giữa tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Phú Thọ với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội; nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Tại Gói thầu số 26 Thi công xây dựng đoạn tuyến từ Km0+00 - Km11+300 thuộc Dự án, Liên danh Công ty CP Licogi - Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An - Công ty TNHH Hiệp Phú được công bố trúng thầu với giá 487,061 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công công trình, đơn vị thi công thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển thương mại Thuận An bị phản ánh không tuân thủ các quy định về việc đổ thải đúng nơi quy định được cấp mà lại đổ đá hộc xuống khu vực đất nông, lâm nghiệp tại thôn Kỳ Lãm, phường Đội Cấn, Thành phố Tuyên Quang.
Ghi nhận từ Nhóm Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường vào những ngày cuối tháng 4/2023 cho thấy: Do đoạn đường thi công dự án có địa hình phức tạp nên đơn vị thi công phải dùng các phương tiện máy móc để đào đục phá đá, xúc lên những chiếc xe tải ben khổng lồ, sau đó tập kết đến địa điểm đổ thải theo quy định.
Tuy nhiên, thay vì thực hiện theo kế hoạch đó, đơn vị thi công đổ ra khu bãi ruộng của người dân đang trồng ngô cách đó khoảng 200 m.
Theo tìm hiểu của PV, việc tập kết đổ đất đá thải mặt bằng làm đường có sự thỏa thuận giữa người có đất gần dự án và đơn vị thi công.
Đây là hình thức hủy hoại đất nông, lâm nghiệp một cách quy mô, đôi bên đều có lợi. Người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cấy hoa màu thành những mặt bằng phục vụ nhu cầu sau này khi dự án đường cao tốc hoàn thành.
Đơn vị thi công tiết kiệm nhiên liệu rút ngắn khoảng cách đổ thải so với quy định, do đó việc san lấp đá hộc xuống đất nông nghiệp đã được thỏa thuận, diễn ra công khai thường xuyên và rầm rộ bất chấp dư luận.
Tại buổi làm việc trực tiếp ngày 4/5/2023 tại UBND phường Đội Cấn, trả lời câu hỏi của PV Tạp chí Kinh tế Môi trường về các quy định đổ thải trên địa bàn. Một vị lãnh đạo phường này cho biết: Đúng là có việc Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại Thuận An đang thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua địa bàn phường Đội Cấn, TP.Tuyên Quang. Còn việc việc chôn lấp đá hộc xuống các khu đất nông, lâm nghiệp nêu trên là hoàn toàn vụng trộm chứ họ không được phép đổ như vậy.
"Ngay khi nhận được thông tin phản ánh, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị này ngừng việc đổ đá thải không đúng quy định và sẽ báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo", vị lãnh đạo địa phương khẳng định.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Phạm Đắc Diện - đại diện đơn vị thi công cho biết: "Trước khi tiến hành đổ đất đá xuống khu vực đó, đơn vị cũng có làm đơn lên phường Đội Cấn, phòng TN&MT TP. Tuyên Quang để xin phép đổ, nhưng không được xác nhận. Sau đó, chúng tôi đã tự thỏa thuận với người dân và người dân cũng cho đổ trên đất rừng sản xuất của họ..."
Chia sẻ thêm với PV, vị đại diện đơn vị thi công nói: "Trong quá trình thi công vấn đề khó khăn nhất là không có chỗ đổ thải. Theo hồ sơ của tỉnh, trong đó có quy hoạch nơi đổ thải theo quy định, cũng như đánh giá tác động môi trường là khu vực đó được phép đổ thải... Tuy nhiên, chính quyền họ không thu hồi đất, đất là của người dân, cho nên chúng tôi lại phải tự đi thỏa thuận để lấy chỗ đổ".
Theo quan sát tại hiện trường thi công, không chỉ dừng lại ở việc đổ đất đá hộc xuống các bãi ngô, đơn vị này còn cho một số phương tiện ô tô máy xúc khác từ bên ngoài vào, vận chuyển một lượng lớn đá hộc lớn đi tiêu thụ theo các con đường bê tông nhỏ, từ địa bàn xã Nhữ Khê huyện Yên Sơn hướng ra phía chợ Đội Cấn. Những phương tiện vận chuyển này không hề phủ bạt khi chạy qua các khu dân cư, gây bụi mù mịt, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Theo một số chuyên gia pháp lý, hành vi đổ đất đá thải xuống đất nông nghiệp có dấu hiệu của việc vi phạm vào Khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 về Hủy hoại đất. Theo đó hành vi hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP giải thích “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định” và được giải thích như sau: Làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp: là làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp.
Vì thế, các cơ quan chức năng địa phương cần vào cuộc xử lý tránh để tình trạng đổ thải này kéo dài.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Nhóm Phóng viên