Từ 1/6, cho người khác mượn sử dụng bằng lái xe sẽ bị thu hồi
Từ 1/6 để người khác sử dụng GPLX của mình khi bị phát hiện thì sẽ bị thu hồi. Sau 01 năm kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép lái xe có hiệu lực, cá nhân nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe thì đăng ký với Sở Giao thông vận tải để sát hạch lại các nội dung quy định.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi hàng loạt các Thông tư liên quan đến vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2024. Đặc biệt, nếu bị phát hiện cho người khác 'mượn' giấy phép lái xe thì có thể bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép.
Theo đó có 6 trường hợp sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe (GPLX)
Thứ nhất, có hành vi gian dối để được cấp GPLX. Có thể kể đến khai báo gian dối về tuổi, sức khỏe, sử dụng giấy tờ không đúng quy định.
Thứ hai, tẩy xóa, làm sai lệch thông tin trên GPLX: Những người vi phạm trường hợp này sẽ không được cấp bằng trong 05 năm, nếu muốn cấp lại thì phải học và sát hạch như cấp giấy phép lái xe lần đầu.
Thứ ba, để người khác sử dụng GPLX của mình (đây là một trường hợp mới so với trước đây). Khi bị phát hiện thì sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe. Sau 01 năm kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép lái xe có hiệu lực, cá nhân nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe thì đăng ký với Sở Giao thông vận tải để sát hạch lại các nội dung quy định.
Thứ tư, cấp GPLX cho người không đủ điều kiện, trong đó người được cấp bằng lái xe có thể không có đủ các điều kiện như không đủ tuổi, không đủ sức khỏe,…
Thứ năm, khi có sai sót về thông tin trên GPLX. Cụ thể, các thông tin có thể bị sai sót gồm thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe,…
Thứ sáu, khi người lái xe bị phát hiện trong cơ thể có ma túy thông qua việc khám sức khỏe.
Thi bằng lái không phải học lý thuyết tập trung
Thông tư 05 cũng quy định, người có nhu cầu cấp GPLX ô tô, mô tô các hạng được lựa chọn một trong các hình thức học lý thuyết như: Tập trung tại cơ sở đào tạo; tập trung tại cơ sở đào tạo kết hợp với đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, quyết định này phù hợp quy định đào tạo nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người học, phù hợp việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo nhưng vẫn quản lý chặt chẽ quá trình học của học viên.
Theo đó, học viên phải đăng ký lựa chọn hình thức học với trung tâm - nơi đăng ký đào tạo, sát hạch bằng lái. Đối với hình thức học từ xa, tự học có hướng dẫn, cơ sở đào tạo phải xây dựng phương án, phần mềm đào tạo, nội dung đào tạo, phương án quản lý học viên học đủ thời gian báo cáo Sở GTVT trước khi tổ chức đào tạo.
Đối với học viên, phải học đủ thời gian, nội dung, chương trình đào tạo mới được kiểm tra hết môn, xét cấp chứng chỉ.
Ô tô được miễn kiểm định lần đầu vẫn phải nộp tiền lập hồ sơ
Thông tư 11 của Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 15/6 quy định về giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định đối với xe cơ giới.
Theo đó, các phương tiện được miễn kiểm định lần đầu vẫn phải lập hồ sơ phương tiện với mức giá dịch vụ như sau:
Giá lập hồ sơ với xe miễn kiểm định lần đầu: 46.000 đồng/xe; Giá dịch vụ in lại giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định: 23.000 đồng/lần/xe. Trong đó, giá này đã bao gồm chi phí tổ chức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng chưa bao gồm thuế VAT.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ này phải thanh toán giá dịch vụ cho đơn vị đăng kiểm theo mức giá ở trên.