Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 3 đạt 75,39 tỷ USD
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 3/2025 đạt 75,39 tỷ USD, tăng 18,2% (tương ứng tăng 11,62 tỷ USD) so với tháng trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 38,51 tỷ USD, tăng 23,8% (tương ứng tăng 7,4 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 36,88 tỷ USD, tăng 12,9% (tương ứng tăng 4,22 tỷ USD).
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tính từ 01/01-15/3/2025 đạt 162,78 tỷ USD, tăng 12% tương ứng tăng 17,46 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó xuất khẩu đạt 82,29 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 6,85 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 80,49 tỷ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng 10,61 tỷ USD). Lũy kế đến hết 15/3/2025, cả nước xuất siêu 1,81 tỷ USD.

Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 3 năm 2025 đạt 36.098 tỷ đồng, tăng 4,6% (tương ứng tăng 1.574 tỷ đồng) so với tháng trước. Tổng thu ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm 2025 đạt 98.495 tỷ đồng, bằng 24% dự toán được giao (411.00 tỷ đồng), bằng 21% chỉ tiêu phấn đấu (470.000 tỷ đồng), tăng 9,7% (tương ứng tăng 8.712 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh đó, trong quý I/2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến rất phức tạp, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống tăng cao, các đối tượng gia tăng tần suất hoạt động để thu lời bất chính, gây bất ổn giá, chất lượng hàng hóa không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu: Khai báo không đúng tên hàng, đơn vị tính, chất lượng hàng hóa đối với các mặt hàng thuộc danh mục quản lý rủi ro hàng nhập khẩu của cơ quan Hải quan nhằm mục đích áp mức giá thấp, làm giảm số thuế phải nộp; Khai báo tên hàng không đầy đủ các yếu tố, ảnh hưởng trực tiếp đến trị giá của hàng hóa như: nhãn hiệu, kích cỡ, chủng loại, chất lượng, công dụng...dẫn đến việc xác định dấu hiệu nghi vấn và xác định trị giá tính thuế không chính xác. Các gian lận khác: gian lận xuất xứ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; lợi dụng các quy định về đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp để làm giả giấy tờ, thành lập “doanh nghiệp ma”, thuê giám đốc, thuê người làm thủ tục hải quan để xuất khẩu, nhập khẩu hàng cấm, hàng có giá trị cao… sau đó chiếm đoạt tiền thuế, rồi bỏ trốn.
Trước tình hình trên, Hải quan đã phối hợp các lực lượng chức năng đồng loạt thực hiện Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Ban hành văn bản hướng dẫn cảnh báo toàn ngành: tình hình ma túy trôi dạt trên biển; ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm bột xương thịt, protein động vật qua biên giới vào Việt Nam…
Kết quả bắt giữ và xử lý vi phạm, từ ngày 15/12/2024-14/3/2025, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 3.876 vụ (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024); trị giá hàng hoá vi phạm ước tính khoảng 8.464,6 tỷ đồng; Cơ quan Hải quan chuyển khởi tố 22 vụ (giảm 26,7% so với cùng kỳ 2024); số thu ngân sách nhà nước: 281,3 tỷ đồng.
Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý: Từ ngày 16/12/2024 - 15/3/2025, cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ: 48 vụ/47 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 17 vụ. Tang vật thu được: 202 kg ma tuý các loại (401,7gram thuốc phiện; 33,98 kg cần sa; 11,09 kg heroin; 13 kg ketamine; 141,63 kg ma túy tổng hợp; 2,005 kg và 60.000 viên ma tuý khác).