Tìm hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Ngày 14/5, Tổ công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng đã làm việc tại Đồng Nai để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ở các tỉnh phía Nam.
Nhiều nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư công
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thực hiện 4 tháng bình quân chung của cả nước đạt 15,66% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên có 3/12 địa phương có số giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước là Đồng Nai (11,58%), Gia Lai (7,57%), Bình Dương (13,16%).
Theo báo cáo của các địa phương, nguyên nhân chậm giải ngân vốn liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, điều kiện để khởi công công trình… Ngoài ra, việc điều chỉnh, bổ sung một số dự án phải thông qua HĐND các cấp. Do đó, các địa phương kiến nghị chấp thuận cho địa phương được phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách địa phương trong năm kế hoạch.
Công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công luôn là vấn đề “nóng”. Nguyên nhân được nêu là chính sách giá bồi thường hỗ trợ không phù hợp với thực tế; quy trình thủ tục phức tạp, qua nhiều bước, kéo dài… Ngoài ra, việc giải ngân chậm cũng do nguyên nhân những tháng đầu năm các chủ đầu tư thường đang tập trung thực hiện công tác đo vẽ, kiểm đếm, công bố thu hồi đất theo quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên chưa bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu thi công… Tại cuộc họp này, các địa phương còn quan tâm đến công tác thẩm định, phòng cháy chữa cháy. Đại diện tỉnh Bình Định cho biết: Hiện, các quy định về phòng cháy chữa cháy rất khắt khe; trình tự thủ tục tiển khai các dự án nhà ở, đô thị, kinh doanh bất động sản còn phức tạp, kéo dài; quy định về thời hạn giải quyết đối với từng thủ tục hành chính lại khác nhau…
Nhiều vướng mắc được giải đáp tại chỗ
Trước những khó khăn, vướng mắc của các tỉnh, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ: “Tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang đứng trước khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công để mở đường cho kinh tế phát triển, 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ dẫn dắt 5 đến 7 đồng vốn khác của doanh nghiệp và toàn xã hội phát triển. Không vì khó khăn mà chùn bước, người đứng đầu các tỉnh phải tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, sáng tạo tìm ra cách làm mới nhưng phải thận trọng, đúng quy định. Những vướng mắc liên quan đến pháp luật thì kiến nghị, đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển”.
Giải đáp những vấn đề liên quan ngành Xây dựng, ông Ngô Hoàng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: Các khó khăn vướng mắc trong xây dựng và mua bán nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng và đồng chí Bộ trưởng đã rất tích cực trong công tác này. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng về nhà ở xã hội. Tuy nhiên cần có thời gian để xây dựng Nghị quyết. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đưa các nội dung để giải quyết các vướng mắc trên vào Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được Quốc hội ban hành trong thời gian tới. Trong đó, các điều khoản để giải quyết các vướng mắc hiện nay như: Quyền và ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; mở rộng đối tượng thuê, mua… Những điều khoản này sẽ có hiệu lực ngay sau khi ban hành luật và sớm được áp dụng trong thực tế không chờ Nghị định, Thông tư.
Về Quy chuẩn 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, Bộ Xây dựng khẳng định công trình được thẩm duyệt thiết kế theo quy chuẩn nào sẽ căn cứ quy chuẩn đó để nghiệm thu. Bộ Xây dựng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng Văn bản số 103/BC-BXD ngày 10/5/2023 về công tác tháo gỡ khó khăn về phòng cháy chữa cháy và được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng. Đề nghị các địa phương nghiên cứu và thực hiện, nếu chưa rõ các vấn đề liên quan tới Quy chuẩn 06 thì liên hệ Bộ Xây dựng để được hướng dẫn cụ thể bằng văn bản. Bộ Xây dựng luôn cầu thị, tiếp thu, giải thích chi tiết để doanh nghiệp và cơ quan quản lý các cấp hiểu và áp dụng đúng. Đặc biệt quy định chuyển tiếp, cách vận dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong các vấn đề vướng trên thực tế, ông Ngô Hoàng Nguyên khẳng định.
Tại đây, ông Ngô Hoàng Nguyên chia sẻ thêm những vướng mắc về điện mặt trời mái nhà: Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các quan chuyên ngành để có hướng dẫn cụ thể và áp dụng trên toàn quốc.
Duy Chí