0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 22/02/2024 15:27 (GMT+7)

Tiệc trà – Nghi thức lễ tân đặc biệt trong ngoại giao

Theo dõi KT&TD trên

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có truyền thống uống trà lâu đời trên thế giới, đã hình thành nên những nét đẹp về văn hóa trà. Đây là một nghi thức lễ tân rất đặc biệt thể hiện sự gần gũi, thân tình.

Với ý nghĩa đó mà trong các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc, cùng với chương trình làm việc thường có bố trí tiệc trà.

Đối với người Việt, từ bao đời nay, trà luôn là một thức uống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ở mỗi không gian, thời gian khác nhau, việc thưởng trà lại mang những sắc thái khác nhau. Nhưng tựu trung đều thể hiện phẩm chất con người Việt Nam trọng nghĩa, trọng tình, thủy chung trước sau như một; mời trà để thể hiện sự niềm nở, nhiệt tình, hiếu khách, tôn trọng của gia chủ đối với khách đến thăm. Nhâm nhi chén trà khởi đầu cho những cuộc trao đổi, bàn thảo, hay trong những cuộc hàn huyên tri kỷ. Cũng vì lẽ đó, văn hóa trà Việt Nam luôn chân thành, bình đẳng, tinh tế và vô cùng trọng thị.

Nghi thức lễ tân đặc biệt

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bi thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nghe giới thiệu về trà  
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bi thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nghe giới thiệu về trà

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam trong hai ngày 12 và 13/12/2023 vừa qua.

Ngay sau buổi hội đàm rất thành công vào chiều tối 12/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thân mật mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà tại Văn phòng Trung ương Đảng. Đây là nghi thức lễ tân rất đặc biệt thể hiện sự trọng thị mà gần gũi, thân tình giữa nhà lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc. Đối với hai nước Việt Nam - Trung Quốc, mời nhau thưởng trà đều thể hiện sự trân trọng, lòng hiếu khách và cũng là dịp trao đổi với nhau những điều chân thành và thẳng thắn.

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có truyền thống uống trà lâu đời trên thế giới, đã hình thành nên những nét đẹp về văn hóa trà. Tiệc trà là một nghi thức lễ tân rất đặc biệt thể hiện sự gần gũi, thân tình. Với ý nghĩa đó, trong các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc, cùng với chương trình làm việc thường có bố trí tiệc trà.

Hai Tổng Bí thư cho rằng, sự tương đồng về văn hóa, trong đó có văn hóa trà, mỗi nước cũng có sắc thái độc đáo riêng, thể hiện sự phong phú, đa dạng. Hai Tổng Bí thư cùng nhìn lại những bước phát triển lớn trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước thời gian qua; bày tỏ vui mừng về những thành tựu tích cực đã đạt được, trong đó có việc tăng cường các chuyến thăm cấp cao; trao đổi về các biện pháp lớn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước; nhất trí cùng nhau nỗ lực tăng cường giao lưu làm sâu sắc thêm tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà  
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà

Trong không khí vui vẻ, thân tình, hữu nghị, hai Tổng bí thư cùng ôn lại kỷ niệm tiệc trà thân mật tại Đại Lễ đường nhân dân Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022. Khi đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 4 loại danh trà, trong đó có Đại hồng bào - một trong những loại trà quý hiếm bậc nhất Trung Quốc.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời trà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ba lần trà đặc sản Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự tôn quý khách, chân thành và thiện chí của Việt Nam với Trung Quốc nói chung, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói riêng. Đối với người Việt Nam, mời nhau uống trà là để bắt đầu một lời tâm sự, để bàn chuyện thế thái nhân tình, để cảm thấy trong chén trà có cả hương vị của đất trời, cỏ cây và muôn vật. Việc mời những loại trà đặc sản Việt Nam cũng là một cách giới thiệu văn hóa ẩm thực của Việt Nam tới Trung Quốc và ra cả thế giới.

Có thể nói, từ buổi tiệc trà đặc biệt này, trà trở thành “đại sứ” ngoại giao giữa hai quốc gia, thành cầu nối văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ba loại trà quý mời “thượng khách”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức những phẩm trà thượng hạng của Việt Nam do nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn - người đoạt giải Ấn tượng thế giới tại Cuộc thi Trà quốc tế lần thứ 5 tại Paris, Pháp năm 2022 pha chế.

Ông Nguyễn Cao Sơn đã giới thiệu các loại trà được lựa chọn từ các vùng trà nổi tiếng của Việt Nam như Hà Giang, Yên Bái, Mộc Châu - Sơn La, Lai Châu và Thái Nguyên.

Ba phẩm trà thượng hạng được lựa chọn từ các vùng trà nổi tiếng của Việt Nam  
Ba phẩm trà thượng hạng được lựa chọn từ các vùng trà nổi tiếng của Việt Nam

Trà mạn sen Đầm Trị Tây Hồ: Trà mạn sen Đầm Trị Tây Hồ với thành phần chính là Bạch Trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh Hà Giang - loại trà đạt giải ấn tượng thế giới tại Pháp, kết hợp với gạo sen Đầm Trị Tây Hồ, Hà Nội, ướp hương qua ba năm.

Bạch trà Shan tuyết được thu hái từ cây trà cổ thụ tại vùng núi cao Hà Giang, nơi có điều kiện tự nhiên lý tưởng cho sự phát triển của loại trà này. Bạch trà Shan tuyết được biết đến với hương vị thanh mát, hậu vị ngọt ngào và mùi thơm nồng nàn. Kết hợp với sen, biểu tượng hoa thể hiện bản sắc, cốt cách con người Việt Nam. Đây được xem là loại trà lâu đời và hảo hạng bậc nhất.

Theo các nghệ nhân, để làm được 1kg trà mạn sen Đầm Trị Tây Hồ thượng hạng, cần đến 2 lạng gạo sen để ướp. Muốn có 2 lạng gạo sen cần khoảng 1.300 bông sen. Độ tinh tế của chén trà sen không chỉ nằm ở sự cầu kỳ, tỉ mỉ của người thợ trà mà còn là kết tinh hương vị của đất trời Thăng Long. Nhấp một ngụm trà cảm nhận hương vị hoa sen lan tỏa khứu giác, vị giác, không phải ngẫu nhiên mà người ta tôn vinh trà sen Hồ Tây là "thiên cổ đệ nhất trà". Người Hà Nội coi trà sen là một báu vật để nâng niu và cái thú thưởng thức trà sen được coi là sự hội tụ đỉnh cao của văn hóa trà.

Thú thưởng trà sen cầu kỳ mà thanh nhã tuyệt diệu ấy chính là một kết tinh quý giá, đã làm nên những nét đẹp văn hóa cổ của Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến, vang danh không chỉ khắp mọi miền đất nước, mà còn nức tiếng cả trên thế giới.

Trà Olong lão: Sản phẩm thứ hai là Trà Olong lão - từ cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Trà đạt giải vàng Cuộc thi Trà quốc tế Paris năm 2019 tại Cộng hòa Pháp. Đây là dòng olong xanh Mộc Châu bồi hoả qua 3 năm, cảm quan có màu đen, khi pha cho ra nước trà màu vàng đồng, vị trà đậm đà, hậu ngọt thanh, thơm mùi hoa quả chín hòa cùng mùi mật ong ngọt ngào và phảng phất mùi khói nhẹ đặc trưng.

Để tạo ra được loại trà olong lão trà chất lượng thượng hạng, người làm trà sẽ phải tuyển chọn những lá trà nguyên liệu từ đồi trà sạch, được trồng ở các khu vực đồi núi đón nhiều ánh nắng mặt trời. Sau khi được chọn lọc và làm sạch, những búp trà tươi sẽ được chế biến trong 30 tiếng trước khi trở thành thứ trà đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Trà sẽ được làm héo, quay thơm, diệt men sau đó tạo hình và đưa vào bồi hoả. Đặc biệt, để giữ được trọn vẹn hương vị đặc trưng cũng như những dưỡng chất hữu ích có trong lá trà, tuyệt đối không được sử dụng bất cứ loại hương liệu hay phụ gia thực phẩm nào khác. Toàn bộ quy trình chế phải được đồng nhất tối đa, sao cho thành phẩm tạo ra phải có bề mặt bóng, màu đen và ở dạng viên độc đáo.

Hiện nay, diện tích trồng chè của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đạt trên 2000 ha, với 14 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè. Sản phẩm chè mang thương hiệu Mộc Châu đã có mặt tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Afganistan… Sản xuất, chế biến chè đã tạo thu nhập và việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động là cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương. Trong những năm gần đây, những đồi chè xanh bát ngát, trải dài tít tắp, hay những đồi chè có hình thù đặc biệt được tạo nên từ bàn tay của những người làm chè Mộc Châu đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn của nhiều du khách gần xa.

Bạch Trà Chốt Đỉnh: Sản phẩm thứ ba là Bạch Trà Chốt Đỉnh 2000 Shan tuyết Cổ Thụ Tây Côn Lĩnh – Hà Giang - phẩm trà đạt giải vàng thế giới Cuộc thi Trà quốc tế. Những búp trà Shan được thu hái trước Tiết Thanh minh tháng 3 âm lịch hàng năm nên được gọi là Bạch Trà Chốt Tiền Thanh Minh. Bạch trà là loại trà làm từ búp của những cây trà Shan tuyết cổ thụ nhiều năm tuổi, trên bề mặt được phủ một lớp như tuyết trắng bạc, óng ánh. Trải qua nhiều công đoạn chế biến công phu, bạch trà giữ lại được sự tinh túy của đất trời và dưỡng chất bên trong. Khi pha ra, màu trà trong sáng tự nhiên, hương trà thơm mùi cỏ sớm, cảm giác ngọt, thanh mát lại hơi ngai ngái. Vị trà chát nhẹ chứ không hề đắng, đặc biệt đượm vị ngọt hậu.

Bạch trà Hà Giang không chỉ ngon mà còn rất có lợi cho sức khỏe. Đây cũng là một trong những dòng trà của Hà Giang đã được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Bạn đang đọc bài viết Tiệc trà – Nghi thức lễ tân đặc biệt trong ngoại giao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS. Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, một trong những người tiên phong đặt nền phóng cho sự phát triển của AI.

Tin mới

Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS. Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, một trong những người tiên phong đặt nền phóng cho sự phát triển của AI.
Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh: “Bừng tỉnh” sau giấc “ngủ đông”
Sau khoảng thời gian trầm lắng, thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đang trở lại với những tín hiệu lạc quan. Chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và nhu cầu đầu tư tăng cao đang tạo nên nền tảng cho một chu kỳ phát triển mới, mở ra cơ hội vàng cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Thành phố Hồ Chí Minh: Giải quyết vướng mắc cấp sổ cho 4 dự án nhà ở thương mại
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng vừa có Thông báo kết luận tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại 4 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố.
Những nguyên tắc cần biết khi mua nhà, đất
Mua nhà đối với nhiều người là việc chỉ làm 1,2 lần trong đời, bởi vậy, khi quyết định mua nhà, đất cần nắm rõ một số nguyên tắc cơ bản trước khi thanh toán tiền mua nhà, đất để tránh những rủi ro không đáng có.