Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi kinh tế tuần hoàn
Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và thực hành sản xuất tuần hoàn; kinh tế số và chuyển đổi số theo xu hướng xanh hóa.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã hội đàm với Ủy viên Hội đồng liên bang, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ Guy Parmelin nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh thế Thế giới (WEF) tại Davos.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, với thị trường gần 100 triệu dân, đã ký kết và thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do, đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, Việt Nam đang trở thành một thị trường hấp dẫn với nhiều cơ hội to lớn về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước và trung tâm lớn trên thế giới.
Đặc biệt, trong lĩnh vực hợp tác thúc đẩy tăng trưởng xanh, để chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Việt Nam cần hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để đạt được mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050, theo đó, mong muốn Thụy Sĩ tham gia vào các hình thức hợp tác để giúp các nước đang phát triển giảm phát thải.
Bộ trưởng Guy Parmelin đánh giá cao cam kết giảm phát thải của Việt Nam tại COP26 và chúc mừng Việt Nam đã đạt được Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng với các nước G7 và các đối tác phát triển.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Guy Parmelin khẳng định Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và thực hành sản xuất tuần hoàn; kinh tế số và chuyển đổi số theo xu hướng xanh hóa.
Được biết, Chính phủ Thụy Sỹ và Việt Nam bắt đầu hợp tác phát triển từ năm 1991. Thụy Sỹ là đối tác thương mại quan trọng và là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại Việt Nam với đầu tư tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN của Thụy Sỹ, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2021 đạt gần 900 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước trong năm 2021 đạt 55 triệu USD.
Đến thời điểm hiện tại, thống kê trong 11 tháng năm 2022 cho thấy, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Thụy Sĩ đạt 721,3 triệu USD; Thụy Sỹ có 197 dự án đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đạt 1,89 tỷ USD, đứng thứ 21/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Thụy Sĩ đầu tư vào các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, môi trường, đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, phối hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, du lịch.
Liên quan đến tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), hai bên nhất trí việc hoàn tất đàm phán sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thương mại và đầu tư giữa hai bên. Phó Thủ tướng đề nghị Thụy Sĩ tiếp tục phối hợp với Việt Nam thúc đẩy việc đàm phán FTA Việt Nam–EFTA trong thời gian tới; khẳng định Việt Nam sẵn sàng trở thành cầu nối để EFTA tiếp cận và mở rộng thị trường tại khu vực ASEAN.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Thụy Sĩ tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Thụy Sĩ bày tỏ mong muốn mở rộng quy mô đầu tư và thúc đẩy hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.
Cũng trong thời gian này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự và phát biểu tại cuộc đối thoại với các tập đoàn, quỹ đầu tư về chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, tài chính xanh và phát triển bền vững.
Tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với việc xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.
Phó Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ Việt Nam về tăng trưởng xanh, thực hiện tốt các cam kết quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, bao gồm các cam kết tại Hội nghị COP 26 cũng như huy động thêm vốn trên nền tảng Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi và quan tâm của các nhà đầu tư.