Thừa Thiên Huế tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu
Ngày 26/2, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”.
Theo đó, mục tiêu trong năm 2023, phấn đấu sẽ xây dựng 01 phóng sự và 01 chuyên mục trên báo, 02 hội thảo, 01 lớp tập huấn về phát triển vùng nguyên liệu dược liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Hỗ trợ 01 - 02 dự án đầu tư phát triển cây dược liệu theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh. Hỗ trợ 02 - 03 doanh nghiệp dược liệu đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ theo Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh. Tạo điều kiện, hỗ trợ ít nhất 02 doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Có ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học công nghệ về dược liệu được Trung ương hỗ trợ kinh phí triển khai trên địa bàn tỉnh.
Với những mục tiêu đó, kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp đối với những nhiệm vụ chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu. Về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xác định, phát triển các vùng dược liệu và lựa chọn loài dược liệu ưu tiên. Xây dựng "Trục văn hóa - Thảo dược" phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình OCOP tại Thừa Thiên Huế. Hỗ trợ ứng dụng KHCN trong phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với chương trình OCOP tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1,126 loài cây thuốc, trong đó có nhiều cây dược liệu quý đã và đang được trồng, khai thác như Tràm, Hoắc hương, Hương nhu trắng, Hương nhu tía... Đây là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh tật. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế là tỉnh đa dạng sắc tộc. Ngoài người Kinh, còn có các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Bru Vân Kiều, Pa Hy, Hoa, Mường, Thái và Tổ.... Mỗi dân tộc có tri thức sử dụng dược liệu, nền văn hóa riêng. Đây cũng là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật và các dịch vụ du lịch văn hóa.
PGS.TS Trần Văn Ơn, Chuyên gia Chương trình OCOP Quốc gia khẳng định, với những lợi thế như vậy, nếu gắn phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, có thể tạo một ngành kinh tế “lai” dựa trên nền tảng văn hóa – cảnh quan – thảo dược, có dung lượng lớn, có thể xuất khẩu tại chỗ và đặc biệt là phù hợp với các tiêu chí của chương trình OCOP.
Để biến các tiềm năng thành sản phẩm và dịch vụ OCOP một cách có hệ thống các đơn vị cần tiến hành khảo sát tổng thể tài nguyên dược liệu – văn hóa – cảnh quan của tỉnh, từ đó xác định các tiềm năng, hiện trạng phát triển, các vấn đề tồn tại và nguyên nhân, xác định các giải pháp triển khai phù hợp. Vận động các cộng đồng, doanh nghiệp, HTX tại các địa phương tham gia chương trình OCOP. Đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp gắn với OCOP, như Thanh niên Khởi nghiệp OCOP, Phụ nữ khởi nghiệp OCOP, từ đó tăng tính chủ động, sáng tạo của cộng đồng...
Bùi Quốc Dũng