Thời đại số: Robot có trở thành Nhà báo?
Robot báo chí đang dần được áp dụng nhằm giảm bớt khối lượng công việc cho phóng viên, biên tập viên.Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo AI hoặc Robot hóa trong hoạt động báo chí vẫn còn nhiều thách thức khi bản chất chúng vẫn là máy móc và tất nhiên gặp khó khăn về vấn đề nhận thức.
Trong một nghiên cứu công bố hồi năm 2019 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, hầu hết lãnh đạo các tòa soạn bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc phóng viên bị quá tải, kiệt quệ, đồng thời cũng thừa nhận để có thể tuyển dụng và giữ chân phóng viên có năng lực là vô cùng khó. Trong bối cảnh đó, AI sẽ có vai trò như những người giúp việc, giảm bớt gánh nặng cho phóng viên. Đơn cử như việc sử dụng các phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản tiết kiệm được cơ số thời gian bóc băng ghi âm của phóng viên. Hay như việc các phần mềm có thể quét qua hàng nghìn trang văn bản, “đỡ đần” phóng viên trong công cuộc kiểm chứng thông tin.
Dù vậy, robot báo chí dù có nhanh hay giúp được nhiều cho người làm báo thì cũng không thể nào thay thế được nhà báo. Người làm báo trong bất cứ giai đoạn phát triển của xã hội nào cũng luôn là người tiên phong trong thông tin, dẫu biết rằng sự phát triển của công nghệ khiến cách thức làm báo có nhiều thay đổi. Đó cũng là những nội dung do TS, Nhà báo Trần Bá Dung – Nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ trong một cuộc trò chuyện dưới đây với phóng viên Tạp chí Thương Trường.
PV: Công nghệ thông tin đang phát triển vượt bậc đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, đã có nhiều ý kiến lo ngại về mặt tiêu cực của vấn đề này, vậy theo ông, các nhà báo cần có tâm thế ra sao với sự phát triển này?
TS Trần Bá Dung: Theo tôi, nhà báo cần nhìn đúng thành tựu phát triển công nghệ thông tin ở những góc độ tích cực cũng như hạn chế. Về mặt tích cực, rõ ràng chúng ta thấy xã hội đã có những thay đổi rất lớn, từ cách làm việc cho tới hưởng thụ cuộc sống. Làm một phóng viên, bạn có thể thực hiện một tác phẩm báo chí với nhiều hình thức khác nhau dưới sự hỗ trợ của công nghệ, một bài báo sẽ trở nên hấp dẫn hơn khi trong đó có ảnh, có video, có bảng biểu đồ hiển thị… Điều đó rất có lợi cho độc giả khi tiếp cận thông tin và cũng rất có lợi cho người làm báo khi sản phẩm báo chí của mình không nhàm chán.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó, nhà báo cần hiểu rõ các mặt hạn chế để trước là trang bị kiến thức cho mình phòng tránh, sau đó là thông qua các bài viết phân tích được cái đúng, cái sai, cái tích cực, cái hạn chế của vấn đề để truyền đạt tới bạn đọc. Cũng có những vấn đề phải xem xét thật kỹ lưỡng trong giới hạn về thông tin, về chính trị hay văn hóa. Công nghệ cũng đã thay đổi cách thức tiếp cận thông tin của công chúng, nhà báo không nhanh nhạy, không có thông tin mới mẻ mang đậm chất báo chí thì cũng sẽ khó cạnh tranh được với các thông tin trên mạng xã hội và những thông tin tổng hợp, sản xuất từ robot.
PV: Sự phát triển của công nghệ mà mới đây là sự ra đời của chat GPT đã tạo ra một làn sóng lo lắng cho một số ngành nghề, báo chí cũng được cho nằm trong đó và đã có lời cảnh báo khi “nhà báo con người” có thể sẽ trở thành “nhà báo robot”. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
TS Trần Bá Dung: Theo tôi, nhà báo sẽ luôn đổi mới nhằm điều chỉnh, làm mới mình để thích nghi với thời đại nên “nhà báo con người” vẫn sẽ hướng tương lai với tâm thế là người làm chủ con chữ. Tuy nhiên, sẽ có một số nhà báo trở thành nhà báo robot khi phạm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, lười suy nghĩ, lười lao động. Nhà báo lười biếng là tự đào thải mình, bản thân sản phẩm anh làm ra là tin tức, là thông tin mà lại lười biếng, ỉ lại, thì thông tin của anh luôn chậm, không có sự mới mẻ, sản phẩm báo chí anh lại hình thành từ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì công chúng nhận ra ngay và không đón nhận thông tin mà anh mang đến.
Thứ hai, có thể bị đánh lừa. Trí tuệ nhân tạo có đủ thông minh để có thể đánh lừa nhà báo khi tri thức của trí tuệ nhân tạo là tri thức do tổng hợp mà có. Nếu nhà báo có nền tảng phông kiến thức yếu và thiếu sự kiểm chứng thì rất nguy hiểm vì cứ tưởng lên mạng với AI là cái gì cũng đúng.
Điều đó cũng có thể dẫn đến nhà báo làm việc không trung thực. Đây là điều rất nguy hiểm khi nhà báo không trung thực với chính mình, tự đánh lừa mình, cho rằng như thế là tôi đã làm rồi nhưng thực ra không làm, kết quả đó là của trí tuệ nhân tạo. Từ đó dẫn tới không trung thực với tòa soạn, với cơ quan. Trong quá trình làm tin bài dùng trí tuệ nhân tạo, anh dùng câu lệnh (promt) và anh có thể dùng kỹ xảo lấy kết quả trên chat GPT, sau đó biến thành cái của anh, biến thành bài báo của anh, tư liệu của anh để nộp cho tòa soạn. Không phải lãnh đạo tòa soạn nào cũng hiểu biết hết được, đây là điều bình thường vì thực tế lãnh đạo cơ quan thường không có nhiều thời gian, không có đủ thời gian để tìm kỹ càng mọi vân đề, không thể có đủ thời gian để kiểm chứng được hết chỗ này là của phóng viên hay của AI, chat GPT. Từ đó là không trung thực với công chúng và chắc chắn, không trước thì sau công chúng sẽ nhận ra, đây là vấn đề hệ trọng, là hiểm họa của nhà báo và cơ quan báo chí.
Nhà báo không trung thực với công chúng, không lao động thực sự với trí tuệ của cá nhân mình mà dùng thủ thuật để lấy kết quả về, biến thành sản phẩm của mình. Từ đó dẫn tới sự lệ thuộc vào công nghệ, vào trí tuệ nhân tạo và khi đó, nhà báo sẽ tự biến mình thành “nhà báo robot”.
Chúng ta có thể khẳng định thời điểm này, có nhà báo đã trở thành robot, chỉ có là chúng ta chưa chỉ ra được cụ thể. Tuy nhiên, đặc điểm của nhà báo là cần làm tin bài nhanh nên có thể sử dụng công nghệ hỗ trợ. Nhà báo dùng AI để khám phá, thu thập thông tin, sau đó biến thành ý tưởng, đề tài của chính mình. Đây là tình huống đáng khuyến khích.
PV: Vậy theo ông, nhà báo cần lưu ý gì để không tự biến mình thành “nhà báo robot”?
TS Trần Bá Dung: Nhà báo không thể trở thành “nhà báo robot” là do bản lĩnh nhà báo, tri thức của nhà báo và đạo đức nhà báo. Bản lĩnh nhà báo tức là tài năng, ý chí, có thể có nhiều người tài năng như nhau nhưng bản lĩnh để dừng lại đúng thời điểm trước khi để bản thân phụ thuộc một cách máy móc, phụ thuộc hoàn toàn như một tín đồ của trí tuệ nhân tạo, đánh mất đi tư duy sáng tạo của bản thân, sẽ khác nhau.
Đạo đức là riêng của mỗi người, là ở chỗ anh có dừng lại được trước việc có thể dùng sản phẩm đó thay thế cho việc cá nhân anh suy nghĩ, tức là anh có dừng lại việc dùng một sản phẩm để đánh lừa bản thân, cơ quan và công chúng độc giả hay không. Mỗi con người chúng ta đều có thể bị đánh lừa khi chính trí tuệ nhân tạo AI có thể tự kiểm tra xem sản phẩm đó là do con người tạo ra hay AI tạo ra.
PV: Thực tế cho thấy có nhiều nhà báo cũng là lãnh đạo cơ quan báo chí, theo ông các lãnh đạo cơ quan báo chí cần trang bị gì nhằm quản lý hiệu quả “nhà báo con người” và “nhà báo robot”?
TS Trần Bá Dung: Tôi nghĩ, lãnh đạo cơ quan báo chí cần tự trang bị kiến thức, không ngồi yên, đừng thỏa mãn với những nội quy, quy tắc quản lý… thời đại số khiến những nội quy, quy tắc không thể bao quát được vấn đề của cuộc sống, xã hội hiện tại. Và càng không thể kiểm soát được việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí.
Để ngăn chặn tình trạng nhà báo lệ thuộc vào công nghệ, vào trí tuệ nhân tạo AI thì các nhà quản lý báo chí cũng cần trang bị kiến thức cho mình và luôn đồng hành cùng phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp, nâng cao tính gắn kết “con người” trong mỗi đề tài, trong mỗi tác phẩm báo chí. Điều đó giúp nhà báo và tòa soạn sẽ không bị “robot hóa” mà sẽ tận dụng được thành tựu của khoa học công nghệ vào quá trình hoạt động báo chí, từ đó, nâng cao chất lượng thông tin báo chí của Tòa soạn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Đức Thanh (thực hiện)