Phát triển kinh tế tập thể nhờ việc đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ số
Việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết, cũng như hiệu quả hoạt động.
Chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển. Việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX.
Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể vẫn còn không ít khó khăn.
Kết quả khảo sát của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện còn hơn 50% HTX chưa có định hướng về chuyển đổi số, trong đó, 37,5% HTX có chủ trương, quyết tâm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và 18,9% HTX chưa xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số.
Trước thực tế đó, kinh tế hợp tác và HTX cần phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác, nhất là đối với các HTX, cần có các giải pháp cụ thể, hướng đến xây dựng một hệ sinh thái số đồng bộ và hữu hiệu dành riêng.
Theo đó, việc xây dựng một nền tảng số dùng chung cho tất cả các HTX để có một hệ thống quản trị hiện đại, giúp các HTX tiếp cận hệ tri thức về quản trị, gồm: Quản lý tài sản, quản lý tài chính, quản lý lao động và vận dụng phù hợp đối với đơn vị mình. Nền tảng này cũng sẽ giúp cho việc tổng hợp, thống kê về HTX sẽ rất thuận lợi, nhanh, chính xác, thậm chí có thể phát hiện sớm các bất cập để cảnh báo cho HTX. Khi sử dụng nền tảng quản trị dùng chung thì chi phí mà một HTX phải chi trả sẽ không quá cao. Đồng thời, còn tạo ra nguồn kinh phí để phát triển và vận hành nền tảng.
Hiện cả nước có 2 sàn thương mại điện tử nông sản Việt Nam đang hoạt động là PostMart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Vỏ Sò của Tập đoàn Viettel. Các nền tảng thương mại điện tử này cũng có tiềm năng mở rộng để cung cấp đầu vào cho các HTX về giống, phân bón, vật tư sản xuất. Đồng thời, giúp các HTX phát triển và bảo vệ thương hiệu của đơn vị.
Giải pháp chuyển đổi số cũng có thể giúp cung cấp tri thức trực tuyến, tham vấn xử lý các vấn đề về thông tin khuyến nông, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, dự báo thời tiết dành cho nông dân và các HTX, tổ hợp tác. Vấn đề thông tin, dự báo thị trường giúp cho các HTX, tổ hợp tác cũng có thể thực hiện với các giải pháp chuyển đổi số.