Thiên Minh Đức và 3 ‘ông lớn’ xăng dầu bị kiểm tra về điều kinh doanh, phân phối
Theo Quyết định mới từ Bộ Công Thương, 4 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bị kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh xăng dầu; hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu.
Bộ Công thương vừa ra Quyết định số 1896 thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh xăng dầu năm 2023 (điều kiện kinh doanh; hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu).
4 doanh nghiệp bị kiểm tra việc chấp hành quy định về điều kiện kinh doanh; hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu theo hệ thống phân phối gồm: Công ty TNHH Thương mại và du lịch Xuyên Việt Oil (số 465 - 467 Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh); Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát (số 73 Lê Lợi, phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình); Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (số 287 Ngô Đức Kế, quận Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An); Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Số 132 khu 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Ngoài ra, các thương nhân đầu mối sẽ bị kiểm tra việc duy trì các điều kiện về kinh doanh xăng dầu quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Nghị định 08 về điều kiện đầu tư kinh doanh, Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83).
Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 7 năm nay, tổng số dư Quỹ bình ổn xăng dầu là hơn 7.438 tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm 2022. Do đó, từ đầu tháng 7 đến nay, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã dừng trích lập vào quỹ từ giá bán lẻ xăng dầu để hỗ trợ kiểm soát, hạn chế tăng giá.
Năm 2022, trong bối cảnh thị trường xăng dầu nóng lên khi tình trạng các cây xăng đồng loạt treo biển hết xăng, bán cầm chừng, người dân ùn ùn xếp hàng dài ở các cây xăng… lan rộng khắp Bắc - Nam, Bộ Công thương cũng lập đoàn thanh tra 33 thương nhân đầu mối xăng dầu.
Theo dữ liệu của Thương trường, kết luận thanh tra chỉ ra loạt tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm của các thương nhân đầu mối trong quá trình hoạt động kinh doanh xăng dầu và các đơn vị liên quan.
Đó là việc một số thương nhân đầu mối báo cáo về kho chứa xăng dầu chưa đúng với thực tế. Cá biệt trong giai đoạn ngắn, có thương nhân thuê kho với sức chứa chưa đáp ứng theo quy định.
Bên cạnh đó, còn có việc một số thương nhân “không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định” của Nghị định 83 và Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83).
Ngoài ra, cũng có một số thương nhân đầu mối không nhập khẩu xăng hoặc nhập khẩu xăng dầu ít hơn mức tối thiểu do Bộ Công thương phân giao và có xảy ra việc một đơn vị ký hợp đồng làm đại lý cho nhiều thương nhân đầu mối...
Qua kết quả thanh tra, đơn vị thực hiện thanh tra cho rằng, một số Vụ, Cục thuộc Bộ Công thương với vai trò cơ quan tham mưu đã chưa tham mưu đầy đủ với Lãnh đạo Bộ, để thực hiện chức năng hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và các quy định tại Nghị định 83.
“Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến việc các Sở Công thương, thương nhân kinh doanh xăng dầu tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất", kết luận thanh tra nêu.
Thái Đạt