Thị trường bất động sản Bắc Giang bất động: Gỡ khó thế nào?
Các cuộc đấu giá chỉ còn vài người tham gia, giá chênh lệch thấp, số lượng bỏ nhiều… khác hẳn với không khí tập nập trước đây. Trong khi đó, giao dịch đất nền cũng khá ảm đạm, khi nhiều nhà đầu tư “hụt hơi” vì giá đất lao dốc.
Cuối tháng 2 vừa qua, huyện Yên Dũng tổ chức đấu giá 36 lô đất tại khu dân cư mới xã Cảnh Thụy và khu dân cư thị trấn Nham Biền với tổng giá khởi điểm 20,6 tỷ đồng, từ 1,3 đến hơn 2,2 tỷ đồng/lô. Tại phiên đấu giá chỉ có 12 lô có khách hàng trả giá với tổng giá trúng hơn 22 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm gần 2 tỷ đồng; 24 lô còn lại không có khách hàng trả giá hoặc chỉ có một khách hàng tham gia nên không đủ điều kiện đấu giá.
Còn tại huyện Việt Yên, nơi có giao dịch đất đai náo nhiệt nhất trước đây do có lợi thế về các khu công nghiệp phủ kín trên địa bàn đã tổ chức đấu giá 60 lô đất Tham gia cuộc đấu giá này có 222 khách hàng với 427 hồ sơ. Kết quả 50 lô đất có khách hàng trả giá với tổng giá trúng gần 80 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm hơn 19 tỷ đồng. Lô có giá trúng cao nhất hơn 2,3 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm gần 556 triệu đồng. Lô thấp nhất 820 triệu đồng, diện tích hơn 106 m2, tăng so với giá khởi điểm hơn 76 triệu đồng.
Tại thành phố Bắc Giang cũng vừa tổ chức đấu giá quyền sử dụng 98 lô đất ở với tổng diện tích hơn 9.159m2, khoảng 75m2 đến gần 150m2/lô. Tổng giá khởi điểm hơn 160 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số các lô đất đấu giá lần này có 48 lô đấu giá lần 2. Tuy nhiên, phiên đấu giá cũng chỉ thu hút được 153 khách hàng với 347 hồ sơ. Kết quả, có 58/98 lô có khách hàng trả giá, tổng giá trúng hơn 76,3 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 13,2 tỷ đồng. Lô có giá trúng cao nhất diện tích hơn 141m2, trị giá gần 3,4 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm khoảng 320 triệu đồng. Hầu hết các lô còn lại giá trúng dao động từ 1,1-1,3 tỷ đồng, chênh lệch không nhiều so với giá khởi điểm. 40 lô còn lại không có khách hàng trả giá hoặc chỉ có một khách hàng tham gia nên không đủ điều kiện đấu giá.
Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bắc Giang, trong quý I, cả tỉnh Bắc Giang mới đưa ra đấu giá khoảng 600 lô đất, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có hơn 300 lô không có người trả giá và đấu giá không thành công (do lô đất chỉ có một khách hàng trả giá). Hệ số giá trúng chênh lệch với giá khởi điểm là 1,2, giảm 0,2-0,4 lần so với trung bình năm 2022.
Thị trường bất động sản giảm khiến cho nguồn thu từ đất của ngân sách tỉnh Bắc Giang giảm mạnh, tính đến tháng 5/2023, báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang cho thấy, thu từ tiền sử dụng đất của toàn tỉnh mới đạt 1.426 tỷ đồng, giảm 67,2% so với cùng kỳ, đạt 23,8% dự toán. Kéo theo đó là hàng loạt các nguồn thu từ phí, lệ phí, thuế thu nhập cá nhân…. đều giảm.
Nhiều sàn bất động sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đóng cửa. Nhiều nhà đầu tư “tay ngang”, nhỏ lẻ trót “ôm” đất trong giai đoạn giá cao đang phải trả giá đắt. Ông N.V.C (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang) cho biết: Trong giai đoạn trước đây khi thị trường sôi động, ông cũng là người thường xuyên tham gia các cuộc đấu giá mà ông gọi là “đi chợ”. Cứ mỗi lô đất trúng, ông đều thu chênh lệch khoảng 100-300 triệu đồng. Một số lô đất ở các khu dân cư, khu đô thị mới ông được lời cả tỷ đồng/lô. Tuy nhiên, thị trường ảm đạm kéo dài từ tháng 10/2022 đến nay khiến ông lâm vào tình trạng chới với. “Tôi đang “ôm” 8 lô đất, riêng tiền trả lãi hàng tháng cũng đến gần trăm triệu đồng. Vừa rồi, tôi phải bán lỗ một lô hơn 300 triệu đồng để có tiền trả lãi. Tính ra, cả chi phí tiền lãi và giảm giá tôi đã mất khoảng 3 tỷ đồng”. Đây cũng là tình trạng chung của những chủ đầu tư đất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, báo hiệu một “mùa đông” còn dài của thị trường bất động sản Bắc Giang.
Theo ông Vương Tuấn Nghĩa - Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang, thời gian qua, bất động sản Bắc Giang nóng lên nhưng không phản ánh thực chất nhu cầu thực sự của người dân mà mang tính “bong bóng”. Việc thị trường đã hạ nhiệt trong giai đoạn hiện nay cũng tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu tiếp cận được với nguồn bất động sản với giá cả hợp lý hơn. “Quan điểm của Sở Xây dựng Bắc Giang là tạo lập được một thị trường bất động sản lành mạnh và bền vững dành cho những người có nhu cầu thực sự tránh việc buôn bán, sang tay… tạo thị trường nóng quá mức”, ông Nghĩa nói.
Để “phá băng” thị trường bất động sản Bắc Giang, ông Vương Tuấn Nghĩa cho rằng cần những giải pháp vĩ mô từ cấp Bộ, cấp Trung ương. Tuy nhiên, về phía Sở Xây dựng Bắc Giang đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực. Một trong những nội dung đó là công khai, minh bạch về tất cả các dự án đã được mở bán, thông tin về các lô đất trống, mức giá sàn… trên trang web của Sở. Bên cạnh đó, Bắc Giang đã thành lập một tổ công tác để tổng hợp, phân tích về số lượng các lô đất được bán ra, mức giá như thế nào… từ đó đưa ra các giải pháp căn cơ cho thị trường bất động sản thời gian tới.
Chương Huyền