Thanh Hóa: Xưởng dăm không phép hoạt động ảnh hưởng đến người dân
Mặc dù chính quyền địa phương đã lập biên bản và xử phạt hành chính nhưng một xưởng dăm hoạt động trái phép tại khu vực dân cư ở thôn Minh Long, xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy vẫn ngang nhiên hoạt động, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân.
Theo phản ánh của người dân thôn Minh Long, xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá), đã hơn một tháng nay xưởng thu mua và sản xuất gỗ dăm của hộ ông Lê Xuân Lỉnh hoạt động một cách rầm rộ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống tại khu vực này.
Trao đổi với phóng viên, anh S. bức xúc cho biết: “Xưởng gỗ dăm này đã hoạt động được gần một tháng nay. Sáng 4 giờ họ đã cho máy băm hoạt động, có những thời điểm hoạt động đến 23h đêm. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của chúng tôi, nhất là người già và trẻ nhỏ”.
Một người dân khác sống gần đó cho hay, vợ chồng chúng tôi đóng cửa ngồi trong nhà nhưng vợ nói gì chồng không thể nghe rõ vì quá ồn ào. Rất mong chính quyền có biện pháp cứng rắn để xử lý dứt điểm tình trạng này. Không thể vì lợi ích của cá nhân mà ảnh hưởng đến người dân xung quanh đây được.
Tại thời điểm phóng viên có mặt, theo quan sát, xưởng gỗ này rộng hàng nghìn m2, nằm ngay cạnh quốc lộ 217, hệ thống máy móc của xưởng đang hoạt động bóc vỏ gỗ, cành keo và băm nhỏ thành mảnh, thông qua băng chuyền. Xưởng sử dụng máy móc công suất lớn, thường xuyên có gần chục lao động làm việc. Từ xa cũng cảm nhận được tiếng máy xẻ, nghiền gỗ chạy liên tục rất khó chịu.
Ông Bùi Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Long cho biết: "UBND xã đã nhận được phản ánh của công dân tại thôn Minh Long về hoạt động của xưởng gỗ dăm gây tiếng ồn của gia đình ông Lỉnh. Địa phương đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn xuống xác minh thông tin và đã lập biên bản cũng như xử phạt vi phạm hành chính.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2017, ông Lỉnh đã hạ cốt nền đất lâm nghiệp phía sau đại lý vật liệu xây dựng của gia đình mình rồi di chuyển đất đi nơi khác. Việc hạ cốt nền chưa xong thì bị cơ quan chức năng phát hiện xử phạt 30 triệu đồng và yêu cầu dừng hoạt động san gạt cũng như chở đất đi nơi khác và yêu cầu hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu. Lúc bấy giờ ông Lỉnh đã san gạt quá nửa, tạo thành mặt bằng hàng trăm mét vuông.
Gia đình ông Lỉnh không những không chấp hành việc hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu mà đến năm 2018, ông Lỉnh tiếp tục hạ cốt phần đất còn lại để lấy đất mang đi nơi khác. Khi đã hạ thấp độ cao, tạo thành mặt bằng hàng nghìn mét vuông thì cơ quan chức năng phát hiện tiến hành xử phạt với số tiền 25 triệu đồng. Hiện nay, mặt bằng đã san gạt rộng hàng nghìn m2 này được trưng dụng làm xưởng gỗ dăm trái phép.
Theo đó, xưởng dăm của hộ gia đình ông Lê Xuân Lỉnh có diện tích 1.800m2 trên đất trồng cây lâu năm. Đối với việc khai thác và chế biến gỗ, gia đình ông Lỉnh mới chỉ có một giấy chứng nhận mã số hộ kinh doanh số 2801741444, mã số đăng ký hộ kinh doanh 26H8003330 do UBND huyện Cẩm thủy cấp lần đầu ngày 13/4/2014 và được đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 9/10/2023.
Bên cạnh đó, tại xưởng dăm có lắp đặt 1 trụ bơm dầu và 1 tẹc chứa dầu chôn dưới trụ bơm có thể tích khoảng 5m3. Tuy nhiên chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến việc lắp đặt trụ dầu và tẹc dầu. Đáng chú ý, tại thời điểm UBND xã Cẩm Long lập biên bản kiểm tra, đang có 10 công nhân đang làm việc tại đây thế nhưng hệ thống phòng cháy chữa cháy lại không đảm bảo.
Ngày 24/11/2023, ông Lê Xuân Lỉnh đã thừa nhận gia đình có mở xưởng sản xuất, mua bán, bóc và băm gỗ keo, lắp đặt trụ bơm dầu nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý đồng thời cam kết sẽ dừng các hoạt động trên. Cam kết là vậy, nhưng ngày 5-6/1/2024, phóng viên ghi nhận xưởng của gia đình ông Lỉnh vẫn ngang nhiên hoạt động. Về vấn đề này, lãnh đạo xã Cẩm Long cho biết, UBND xã đã nhiều lần lập biên bản, cũng như xử phạt hành chính và yêu cầu dừng hoạt động, tuy nhiên gia đình ông Lỉnh vẫn cố tình hoạt động khi không có mặt cơ quan chức năng. Chúng tôi đã báo cáo lên huyện và trong tuần tới sẽ phối hợp với bộ phận chuyên môn của huyện để xuống kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và những quy định của pháp luật có liên quan thì việc mở xưởng gỗ trong khu dân cư không bị cấm tuy nhiên cần đáp ứng một số điều kiện về bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
Việc mở xưởng gỗ trong khu dân cư không thuộc những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường như quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2014 những đặc biệt cần lưu ý những hoạt động của xưởng gỗ phải đảm bảo: - Không gây ồn: Theo quy định tại Mục 2.1 Thông tư 39/2010/TT-BTNMT quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h).
Hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
- Không được gây ô nhiễm nguồn nước do việc xả rác và các chất hóa học ngâm tẩm gỗ chưa qua xử lý xả thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng xấu đến nguồn nước cũng như sức khỏe người dân.
Căn cứ Điều 7 và Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì chất thải trước khi xả thải vào môi trường cần phải xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật. Nếu bạn không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường thì xưởng gỗ của bạn sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1, khoản 1 Điều 3, khoản 2 Điều 19, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
- Không được để ô nhiếm không khí: Căn cứ theo Điều 62 Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bảo đảm chất lượng môi trường không khí theo quy định của pháp luật.
Nếu như xưởng gỗ của bạn không xử lý được các chất thải gây ô nhiễm không khí sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 19, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngoài ra tùy theo quy mô dự án mà cần thêm một số thủ tục hành chính khác như đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất đồ gỗ có tổng diện tích kho, bãi, nhà xưởng dưới 10.000 m2 phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại phụ lục II kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Hoàng Đức