Thanh Hóa: Cần xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Rất nhiều ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Tiếp cận nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn
Nhiều doanh nghiệp nêu thực trạng đang khát vốn và không có nguồn vốn để trả nợ hoặc đầu tư kinh doanh. Bởi vì, các doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng do không có nguồn tiền gửi để cho vay, doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo đáp ứng quy định để vay. Các doanh nghiệp cũng đề nghị các ngân hàng cần nới rộng các điều kiện cho vay, tỉ lệ thế chấp tài sản vay.
Ông Lê Hùng Mạnh, Giám đốc Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị cho rằng, lãi suất ngân hàng ở mức 9 đến 10% ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Bởi vì, doanh nghiệp nhỏ hầu như đều phải đi vay để đầu tư, vì thế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm có những giải pháp giảm lãi suất.
Ông Cao Thiện Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa nêu thêm: "Mặc dù các ngân hàng giảm lãi suất, nhưng lãi suất kinh doanh với doanh nghiệp du lịch còn cao (9-10%). Vì thế, chúng tôi đề nghị điều chỉnh giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp du lịch. Việc ngân hàng tạo điều kiện sớm tiếp cận, đảo nợ vay ngân hàng, giảm lãi suất ưu đãi đối với lĩnh vực du lịch cũng chính là đưa du lịch sớm thành ngành kinh tế mũi nhọn".
Bà Mai Thị Thắm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đông Bắc nói về khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang gặp khó khăn trong vay vốn kinh doanh không thuận lợi như trước. "Việc Nhà nước thắt chặt chặt các khoản vay làm cho các doanh nghiệp không đủ nguồn vốn để xây dựng. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới nhà nước có cơ chế tháo gỡ khó khăn nêu trên", bà Thắm chia sẻ.
"Ngân hàng nên căn cứ hiện trạng để định giá tài sản thế chấp để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay sớm để phục hồi sản xuất góp phần đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động", ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa kiến nghị.
Cần tháo gỡ quy định về PCCC cho doanh nghiệp
Tại hội nghị, ông Trần Quốc Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, TP.Thanh Hóa cũng đã trình bày những khó khăn cũng như đề xuất các kiến nghị để UBND tỉnh vào cuộc nhằm chỉ đạo, tháo gỡ một số vấn đề cấp bách, mà ông Trường cho rằng đây là vấn đề “sống còn” đối với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Tây Bắc Ga hiện nay.
Theo đó, khu công nghiệp Tây Bắc Ga là hợp phần của khu công nghiệp Đình Hương- Tây Bắc Ga doanh thu hàng năm 7.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 200 tỷ đồng. Hơn 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có 193 cơ sở thuộc đối tượng quản lý về PCCC. Từ cuối năm 2022, khi lực lượng Cảnh sát PCCC tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, khu công nghiệp Tây Bắc Ga có 103 cơ sở không bảo đảm các tiêu chuẩn PCCC mới theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
"Ngành công an cần sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể các văn bản, quy định pháp luật làm căn cứ ban hành thực hiện. Hướng dẫn quy trình, thủ tục hồ sơ PCCC từ thiết kế, thẩm duyệt, đến nghiệm thu tạo điều kiện để các doanh nghiệp có phương án khắc phục đi vào hoạt động sớm", ông Trường chia sẻ.
Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa cho rằng: "Đối với những doanh nghiệp trước đây đang thực hiện theo quy định PCCC cũ thì cơ quan liên quan nên có lộ trình thời gian để khắc phục từng bước đảm bảo thực hiện theo quy định mới".
Kết luận tại hội nghị, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa khẳng định, hội nghị lần này là lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp để kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, hướng tới Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023, dự kiến diễn ra vào sáng 31-3.
Hoàng Đức