Thanh Hóa: Nỗ lực thu hút vốn đầu tư nông nghiệp
Với mong muốn giải quyết các khó khăn của người nông dân trong phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực để kêu gọi các dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Muốn bộ mặt nông nghiệp được thay đổi, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng cho phát triển kinh tế. Do vậy, phát huy tốt nguồn lực này là một trong những giải pháp hàng đầu để thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Thanh Hóa là địa phương có đầy đủ các đặc điểm địa hình miền núi, trung du, đồng bằng, chính là điều kiện thuận lợi để phát triển các lĩnh vực sản xuất: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, nguồn lao động dồi dào, cùng với những chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp vào đầu tư... đã trở thành lợi thế của tỉnh cho phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại.
Dó đó, để thu hút các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện kinh doanh hiệu quả, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa cũng đã khuyến khích các địa phương tích cực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Nhờ chính sách và hướng đi này mà nhiều huyện đã thành công thu hút được các nhà đầu tư lớn. Ngoài những chính sách hỗ trợ thì địa phương cũng đồng hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp vướng phải để sớm đưa ra giải pháp, tránh tình trạng kéo dài gây khó khăn.
Tiêu biểu như huyện Ngọc Lặc, việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi đã thu hút được Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư 11 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 1 tỷ USD và đã được chấp thuận chủ trương 5 dự án. Trong đó, Dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa I tại xã Minh Tiến có tổng mức 36.000 tỷ đồng đã hoàn thành đi vào hoạt động. Ngoài ra, huyện Ngọc Lặc tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty TNHH New Hope Singapore đầu tư dự án trang trại chăn nuôi tại xã Đồng Thịnh, với quy mô 12.000 con lợn thịt/năm, 6.750 con lợn nái/năm, tổng vốn đầu tư 466 tỷ đồng. Cũng nhờ tích cực thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, như: Trang trại chăn nuôi gà theo chuỗi công nghệ cao quy mô 4,9 ha, công suất 936.000 con/năm tại xã Minh Tiến của Công ty CP Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân; trang trại chăn nuôi gà quy mô 8,2 ha, công suất gần 2 triệu con/năm tại xã Lam Sơn của Công ty CP Nông sản Phú Gia; các mô hình trồng dưa vàng trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao ở xã Kiên Thọ... Nổi bật là sản phẩm Vải Ngọc trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với quy mô 20 ha của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm đã cho thu hoạch lứa đầu và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh, mở ra cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh, huyện đang hướng tới.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay đã thu hút được hơn 200 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng. Các dự án đang được các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan về đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường... để triển khai thực hiện.
Ngoài những dự án nông nghiệp thông thường thì một số dự án đầu tư tập trung quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã, đang và sẽ thực hiện. Điển hình, như: Công ty TNHH MTV Chăn nuôi RTD, APPE, APPE AC, T.I.G.E.R đầu tư Dự án Trung tâm sản xuất giống và thịt lợn hàng hóa chất lượng cao tại huyện Lang Chánh (với quy mô 10.000 lợn nái/năm, 83.500 lợn thịt/năm, 160 tấn cá/năm, diện tích 340 ha), tổng vốn đầu tư 849 tỷ đồng. Công ty CP ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH đang đầu tư dự án bò sữa tại các huyện Như Thanh, Nông Cống, với quy mô 20.000 con, tổng vốn đầu tư 3.800 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam đầu tư dự án khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thạch Thành với quy mô 5.600 con lợn nái/năm, tổng vốn đầu tư 654 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước đầu tư dự án nhà máy sản xuất sợi dệt tại huyện Cẩm Thủy, với tổng vốn đầu tư 628 tỷ đồng... Đặc biệt, Tập đoàn AVG dự kiến đầu tư dự án Tổ hợp chế biến thịt lợn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD...
Với mong muốn giúp người dân thoát khỏi cảnh được mùa mất giá, cũng như nâng các chất lượng sản phẩm nông nghiệp lên tỉnh Thanh Hóa cho đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, bám sát tiến độ các dự án đang triển khai thực hiện.
Cùng với đó, tích cực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực Lam Sơn - Sao Vàng theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để đồng hành với doanh nghiệp tỉnh cũng tăng cường hợp tác giữa Nhà nước, DN và nông dân trong việc phát triển chuỗi giá trị nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả kinh tế. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào NN-NT như: chính sách về thuế, tín dụng, đất đai, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường.
Mong muốn với những nỗ lực này sắp tới tỉnh Thanh Hóa sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các dự án nông nghiệp có quy mô lớn, hiện đại…
Diễm Phước