Tăng trưởng chưa tương xứng tiềm năng
Mặc dù có nhiều lợi thế so sánh nhưng tốc độ tăng trưởng, quy mô kinh tế của Hải Dương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Đặc biệt, môi trường đầu tư còn nhiều rào cản khiến Hải Dương gần đây đã không còn là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.
Tăng trưởng không như kỳ vọng
Với những lợi thế so sánh đặc biệt, từ lâu Hải Dương đã là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện Hải Dương là địa phương đang đứng thứ 4 trong vùng và thứ 11 cả nước về thu hút đầu tư FDI với gần 500 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD, trực tiếp tạo ra việc làm cho hơn 220.000 lao động. Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc)… Riêng năm 2023, thu hút FDI của Hải Dương đạt tới 1,3 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Hải Dương từng là địa phương đi trước đón đầu nguồn vốn FDI, là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Thế nhưng vài năm trở lại đây (ngoại trừ năm 2023), Hải Dương không còn là lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp. Thay vào đó, các nhà đầu tư lựa chọn Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc làm điểm đến bên cạnh các địa phương vốn đã rất cởi mở với doanh nghiệp là Quảng Ninh và Hải Phòng.
Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Tỉnh ủy Hải Dương đã chỉ rõ: Tăng trưởng kinh tế khá nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra, hàng năm còn một số chỉ tiêu không đạt. Năm 2021 có 3/14 chỉ tiêu không đạt gồm: Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với GRDP là 32,9% (kế hoạch 35%), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.436 (kế hoạch 1.706) và tỷ lệ đô thị hóa. Năm 2022 có 7/16 chỉ tiêu không đạt gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP 9% (kế hoạch >10%), tỷ lệ vốn đầu tư phát triển theo GRDP là 31,4% (kế hoạch 35%), số doanh nghiệp thành lập mới 1.600 (kế hoạch 1.651), tỷ lệ đô thị hóa 33% (kế hoạch 35%), tỷ lệ bao phủ BHYT 91,8% (kế hoạch 92%), tỷ lệ trường đạt chuẩn 78,5% (kế hoạch 82,8%) và số giường bệnh trên 10.000 dân là 31,7 (kế hoạch 33 giường).
Năm 2023, kinh tế Hải Dương có sự khởi sắc so với những năm đầu nhiệm kỳ. Cụ thể, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn Hải Dương dự kiến đạt 184.375 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8,5%; tổng thu ngân sách 20.319 tỷ đồng, vượt 15% dự toán. Hoạt động đầu tư có nhiều khởi sắc với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 60.955 tỷ đồng, tăng 15%. Có 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra. Riêng tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt 8,5%, không đạt mục tiêu >9%. Như vậy, kinh tế Hải Dương mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng chưa thực sự bền vững và không có bước đột phá như kỳ vọng.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Hải Dương, nửa nhiệm kỳ qua, việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất giai đoạn đầu còn lúng túng, chậm. Tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, các quy hoạch phân khu đô thị tại các thành phố Hải Dương, Chí Linh và thị xã Kinh Môn, quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch chung các thị trấn chậm. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dù đã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhưng nhiều dự án chưa được giải quyết dứt điểm, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Thu ngân sách Nhà nước, trong đó có thu nội địa bình quân giai đoạn 2021 – 2023 dù vượt dự toán giao nhưng số thu tuyệt đối lại giảm dần hàng năm. Nguyên nhân do thu ngân sách của Hải Dương phụ thuộc rất lớn vào thu tiền sử dụng đất. Vì thế, khi thị trường bất động sản đóng băng, nguồn thu của Hải Dương đã chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tỉnh ủy Hải Dương cũng thẳng thắn chỉ rõ: Môi trường đầu tư kinh doanh chuyển biến chưa rõ nét, thiếu bền vững. Những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp chưa được giải quyết dứt điểm, hiệu quả thu hút đầu tư chưa cao. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới thành lập chậm triển khai thực hiện, chưa tạo ra quỹ đất mới. Các diện tích còn lại nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn. Nhiều khó khăn, vướng mắc của các đơn vị kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp chậm được giải quyết. Đối với các dự án đã được chấp thuận đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà hầu hết chưa được đưa vào hoạt động. Cụ thể, trong số hơn 100 dự án được chấp thuận từ năm 2020 trở về trước mới có 4 dự án được giao đất. Đặc biệt, thu hút đầu tư trong và ngoài nước giảm cả về số dự án và số vốn đầu tư. Số doanh nghiệp thành lập mới chưa đạt chỉ tiêu đề ra…
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Hải Dương, so với yêu cầu nhiệm vụ thì một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Dự kiến có 9/17 nhóm chỉ tiêu và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt. Chỉ số PCI có cải thiện nhưng không bền vững và giảm về thứ hạng so với năm trước. Tiến độ thực hiện một số dự án, đề án, công trình trọng điểm còn chậm. Nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. Nếu không hành động quyết liệt với quyết tâm chính trị cao thì Hải Dương sẽ phát triển chậm lại so với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Đây là những đánh giá rất thẳng thắn, trung thực và dũng cảm của Tỉnh ủy Hải Dương, thể hiện sự trăn trở, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh đối với hình ảnh của Hải Dương trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Môi trường đầu tư không còn nhiều hấp dẫn
Một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không còn coi Hải Dương là điểm đến hàng đầu vì môi trường đầu tư của Hải Dương không còn thực sự hấp dẫn. Những rào cản vô hình khiến các doanh nghiệp e ngại khi đầu tư dự án mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất.
Như đã đề cập ở bài 1, anh bạn tôi là chủ doanh nghiệp chuyên xuất nhập khảu nông sản giữa Việt Nam và Campuchia khẳng định sẽ quay lại đầu tư vào Hải Dương vì anh cho rằng tỉnh Hải Dương có những lợi thế so sánh hơn hẳn những địa phương lân cận. Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu anh bạn này đã quyết định chuyển hướng đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản chuyên sâu sang địa phương khác. Theo lý giải của anh, việc giao đất ở Hải Dương quá chậm, chính quyền địa phương nơi anh định đặt nhà máy không dám cam kết khi nào sẽ có đất sạch cho doanh nghiệp trong khi hợp đồng với đối tác đã ký. Bên cạnh đó, một số rào cản vô hình cũng khiến anh chưa dám đặt niềm tin vào Hải Dương. Có lẽ đây cũng là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp khiến việc thu hút đầu tư vào Hải Dương mấy năm gần đây giảm cả về số lượng cũng như tổng vốn đăng ký (ngoại trừ năm 2023 kinh tế Hải Dương có nhiều điểm sáng).
Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Dương chỉ đạt 65,22 điểm, giảm 2,43 điểm so với năm 2021. Xếp hạng PCI của Hải Dương năm 2022 đứng thứ 32, nằm trong tốp khá của cả nước. Nếu so với năm 2021, PCI của Hải Dương giảm tới 19 bậc. Trong vùng đồng bằng sông Hồng, xếp hạng PCI của Hải Dương cũng chỉ đứng thứ 9/11 tỉnh, thành phố, giảm 4 bậc so với năm trước.
Nếu tính từ năm 2015 trở lại đây, ngoại trừ năm 2021 tăng đột biến về thứ bậc, xếp thứ 13 cả nước thì các năm còn lại, PCI của Hải Dương đều chỉ duy trì ở mức khá, trung bình và thấp. Cụ thể, năm 2015, PCI của Hải Dương xếp thứ 34, năm 2016 xếp thứ 36, năm 2016 xếp thứ 49, năm 2018 xếp thứ 55, năm 2019 xếp thứ 47, năm 2020 xếp thứ 47, năm 2021 xếp thứ 13 và năm 2022 xếp thứ 32. Thứ hạng này đã gióng lên hồi chuông báo động thực sự về vị thế của Hải Dương so với các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng cũng như các địa phương khác trong cả nước. Với lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các địa phương lân cận, xếp hạng PCI của Hải Dương chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Và chính chỉ số PCI là sự đánh giá tương đối chính xác của doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Dương.
Chỉ tính riêng PCI năm 2022, một số chỉ số thành phần giảm điểm đều là những chỉ số quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của Hải Dương cũng như môi trường kinh doanh của tỉnh. Chỉ số tiếp cận đất đai đã được cải thiện ở một số chỉ tiêu như công tác giải phóng mặt bằng, công khai thông tin dữ liệu đất đai… Tuy nhiên, chỉ tiêu về số ngày doanh nghiệp phải chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được rút ngắn, thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu quỹ đất sạch còn khá lớn. Chính điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Về việc minh bạch cũng như khả năng tiếp cận thông tin, nhiều doanh nghiệp cho rằng Hải Dương chưa minh bạch trong đấu thầu, doanh nghiệp phải mất trung bình 12 ngày mới nhận được thông tin, văn bản từ các cơ quan Nhà nước khi có yêu cầu trong khi trung bình cả nước chỉ 5 ngày. Đặc biệt, 80% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi con số này của cả nước là 54%. Các doanh nghiệp cho biết xu hướng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức tăng. Doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra, thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra môi trường tăng 18%, cho cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế tăng 50% so với năm 2021.
Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hải Dương (91% doanh nghiệp được khảo sát) cho rằng UBND tỉnh Hải Dương thực sự năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Tuy nhiên, có tới 82% số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá các Sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh (tăng 69%); 85% doanh nghiệp được khảo sát đồng ý rằng chính quyền cấp huyện, thành phố, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, tăng 69% so với năm 2021. Điều này có thể thấy rằng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương đã thực sự nỗ lực, cố gắng, có nhiều hành động để thực hiện cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng cán bộ thực hiện nhiệm vụ dưới quyền lại không cụ thể hóa bằng các hành động hiệu quả, thiết thực dẫn đến niềm tin của doanh nghiệp vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa cao.
Qua đánh giá bảng xếp hạng PCI năm 2022 của Hải Dương có thể thấy hầu hết các chỉ số thành phần đều giảm điểm. Các chỉ số chiếm trọng số lớn, có tính quyết định đến niềm tin của các nhà đầu tư như tính minh bạch, đào tạo lao động, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai… đều giảm sâu so với mức giảm chung của cả nước. Chất lượng dịch vụ hỗ trợ chưa cao. Đặc biệt, tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn. Tình trạng nhũng nhiễu vặt trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực vẫn còn tương đối phổ biến, có lĩnh vực có xu hướng tăng.