Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất nông nghiệp
Việc phát triển tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nông nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến, giúp nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất trong ngành nông nghiệp.
Ngày nay, những loại thiết bị máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang dần phổ biến trong thời đại công nghệ phát triển. Những loại máy này được sáng tạo và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có cả sản xuất nông nghiệp. Trí tuệ nhân tạo giúp năng suất cây trồng được tăng lên, cây trồng được khỏe mạnh hơn, kiểm soát sâu bệnh và các điều kiện trồng trọt; tổ chức dữ liệu cho nông dân, giúp giải quyết khối lượng công việc và cải thiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm. Những tiến bộ trong chế tạo robot điều khiển bằng AI cũng đang giúp nhà nông trong việc tăng gia sản xuất sử dụng ít đất và ít nhân công hơn.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, áp dụng kinh tế số có thể đưa giá trị kinh tế nông nghiệp tăng gấp nhiều lần. Doanh thu kinh tế số nông nghiệp của Trung Quốc đạt 102 tỷ USD năm 2020, dự báo sẽ tăng lên 189 tỷ USD vào năm 2025. Thái Lan, Ấn Độ cũng xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đất và chương trình số hóa dữ liệu đất đai, từ đó hình thành bản đồ số nông nghiệp.
Còn với chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam, vẫn còn hàng loạt nút thắt cần giải quyết, như: vấn đề nhận thức, thể chế; vấn đề quản lý, điều hành, ứng dụng số chưa toàn diện; hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, phân tán; phần mềm phục vụ chỉ đạo chưa có liên kết chia sẻ dữ liệu; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, dữ liệu chuỗi ngành hàng...
Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu, trong năm 2023 và thời gian tới sẽ xây dựng trợ lý ảo cho người nông dân. Trợ lý ảo sẽ hỗ trợ bà con cập nhật kịp thời chỉ số giá, thời tiết, mùa vụ, diễn biến thị trường... thông qua ứng dụng AI vào sản xuất bằng các app. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Chính phủ cũng như Bộ NNN-PTNT cần làm rõ lĩnh vực nào ưu tiên làm trước để tạo đột phá. Cùng với đó chính sách để đưa mô hình trở thành dẫn dắt.
Bên cạnh đó, để áp dụng thành công các công nghệ mới, như AI trong nông nghiệp, nông dân Việt Nam cần được đào tạo để sử dụng và hiểu rõ các công nghệ này. Điều này đặc biệt quan trọng vì nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thay đổi khí hậu, giá cả nguyên liệu tăng cao và cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.
Bảo An