0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 23/05/2025 19:55 (GMT+7)

Sửa 7 luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính: Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo dõi KT&TD trên

Chiều 23/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, các ĐBQH đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Giải quyết các vướng mắc thực tiễn

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung 7 luật nêu trên, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cũng như hoàn thiện bộ máy hệ thống chính trị, giải quyết các vướng mắc thực tiễn, thúc đẩy phát triển đất nước.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sửa 7 luật, vì đây là các quy định tác động trực tiếp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích thích phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025.

Góp ý cụ thể về sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu cho rằng, dù đã cải thiện một số điều, Luật vẫn còn rắc rối và gây phiền hà cho doanh nghiệp. Luật áp dụng cho nhiều lĩnh vực, từ y tế, đầu tư công đến lựa chọn nhà đầu tư, nhưng không phù hợp với tất cả.

Ví dụ, quy định tại Điều 2 về đối tượng áp dụng chủ yếu liên quan đến vốn ngân sách nhà nước, nên có thể đưa vào các luật cụ thể như Luật Ngân sách nhà nước hoặc Luật Đầu tư, thay vì duy trì một luật riêng. Điều 16 về hành vi bị cấm quá chi tiết, phức tạp, trong khi các tổ chức quốc tế chỉ quy định vài hành vi cấm, như xung đột lợi ích.

Sửa 7 luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính: Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương). Ảnh: Quốc hội

Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, việc bãi bỏ Điều 6 về Hội đồng thẩm định dự án là tiến bộ, giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án. Tuy nhiên, tại Điều 82 về cơ chế chia sẻ tăng giảm doanh thu, quy định hiện hành đã cải thiện, nhưng chưa rõ ràng.

Ví dụ, Điểm c, Khoạn 2, Điều 82 quy định xem xét chia sẻ khi doanh thu chưa đạt 75%, dễ dẫn đến cơ chế xin - cho. Các nước như Hàn Quốc, Philippines quy định mức doanh thu tối thiểu (ví dụ 90%) để bù đắp ngay, tránh lỗ nặng cho nhà đầu tư. “Tôi đề nghị quy định rõ mức doanh thu tối thiểu để hỗ trợ nhà đầu tư hiệu quả hơn”, đại biểu nói.

Áp dụng hình thức chỉ định thầu để tăng tính chủ động

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cùng thảo luận về sửa đổi Luật Đấu thầu. Đại biểu đồng tình quy định cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ vào quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của từng gói thầu, dự án để lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Sửa 7 luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính: Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Quốc hội

Bởi thực tế thời gian qua, việc chỉ định thầu hoặc lựa chọn nhà thầu trong các công trình, dự án thường rất hạn chế. Đại biểu cho rằng, quy định cho phép lựa chọn nhà đầu tư là rất cần thiết, nhưng cần chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm tham gia nhiều dự án trong và ngoài nước để đảm bảo chất lượng. Đồng thời, cần có cơ chế phòng ngừa sự móc nối giữa chủ đầu tư và nhà thầu, tránh gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đồng tình với việc giao Chính phủ quy định các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu để tăng tính chủ động. Tuy nhiên, cần chọn nhà thầu có tiềm lực tài chính, uy tín, và đã thực hiện nhiều dự án chất lượng.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng đề nghị xem xét kỹ việc lựa chọn nhà thầu trong các gói thầu xây lắp, áp dụng chỉ định thầu khi cần thiết, nhưng phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, cần có chế tài mạnh tay với các nhà thầu trúng thầu nhưng bỏ thầu, như cấm tham gia đấu thầu trong vài năm, để tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án...

Sửa 7 luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính: Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đồng tình với việc sửa đổi Khoản 7, bổ sung Khoản 8, 9, 10, Điều 3 của Luật Đấu thầu, tháo gỡ nút thắt cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, khi các bệnh viện tự chủ tài chính bị ràng buộc bởi quy trình đấu thầu giống đầu tư công.

Tuy nhiên, nữ đại biểu đề nghị điều chỉnh điểm a, khoản 1, Điều 1 như sau: “Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp quy định tại Khoản 7, 8, 9, 10 Điều 3 của Luật này”...

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Khánh Thu cũng đề nghị rà soát các quy định liên quan để đảm bảo thống nhất với Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số.

Trước đó, trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xây dựng Luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tài chính, ngân sách; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Bạn đang đọc bài viết Sửa 7 luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính: Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hành vi bảo kê sẽ bị xử lý như thế nào?
Hành vi bảo kê là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người thực hiện có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cảnh báo chiêu trò “nháy máy 3 giây”: Thủ đoạn không thể coi thường
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh, các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại ngày càng tinh vi. Một trong những thủ đoạn đang gây phiền toái và tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay là hiện tượng “nháy máy 3 giây”, những cuộc gọi chớp nhoáng từ số lạ, đặc biệt là đầu số quốc tế, chỉ kịp đổ chuông rồi ngắt

Tin mới

Sửa 7 luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính: Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Chiều 23/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, các ĐBQH đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Xử phạt vi phạm trong lĩnh vực CK và TTCK đối với CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An
Ngày 22/5/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 213/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (Công ty), cụ thể như sau:
Ninh Bình: Xử phạt hơn 30 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc
Ngày 22/5/2025, Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Ninh Bình, đã tiến hành kiểm tra và xử lý một cơ sở kinh doanh đồ gia dụng có hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu