Quyền lợi bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội
Tính đến hết tháng 6/2025, Việt Nam có hơn 91,25 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), chưa tính lực lượng vũ trang. Con số này thể hiện bước tiến dài trong hành trình hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân,
Khẳng định nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trong việc thực hiện các chính sách an sinh bền vững.
So với thời điểm năm 2002, khi BHXH Việt Nam được giao tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, cả nước mới chỉ có khoảng 13,03 triệu người tham gia. Sau hơn 20 năm kiên trì triển khai các giải pháp đồng bộ, số người có thẻ BHYT đã tăng gấp bảy lần, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam đạt được mục tiêu mà nhiều quốc gia phát triển phải mất hơn 40 năm mới hoàn thành.
Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng quyền lợi của người tham gia BHYT cũng ngày càng được mở rộng. Theo thống kê, từ khi Luật BHYT có hiệu lực năm 2009 đến hết năm 2024, cả nước đã có hơn 2,12 tỷ lượt khám, chữa bệnh BHYT; quỹ BHYT chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho các hoạt động này. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, có hơn 95,59 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng 8,44% so với cùng kỳ năm 2024. Ước tính chi phí khám, chữa bệnh trong nửa đầu năm đạt hơn 76.100 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, cho thấy vai trò ngày càng lớn của BHYT trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trong bối cảnh chi phí y tế tăng cao, đặc biệt với các bệnh mạn tính và bệnh hiểm nghèo, chính sách BHYT ngày càng khẳng định tính nhân văn, ưu việt. Nhiều bệnh nhân có chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng đã được quỹ BHYT chi trả, giúp giảm gánh nặng tài chính cho gia đình và đảm bảo quyền được tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu. BHYT không chỉ là "phao cứu sinh" cho người bệnh mà còn là nguồn lực hỗ trợ ngân sách nhà nước trong việc thực hiện các chính sách y tế cộng đồng.
Để đảm bảo sử dụng quỹ BHYT an toàn, hiệu quả, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong 6 tháng đầu năm 2025. Các cơ quan BHXH địa phương được giao dự toán chi khám, chữa bệnh ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phân bổ. Đồng thời, BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên phân tích, cảnh báo các cơ sở có chi phí khám chữa bệnh tăng cao, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Cơ quan BHXH cũng duy trì phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế, đội ngũ y bác sĩ để đảm bảo quyền lợi cho người dân, nâng cao hiệu quả phục vụ.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế còn nhiều diễn biến phức tạp, cùng với việc tái cơ cấu bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ 1/7/2025, BHXH Việt Nam vẫn duy trì hoạt động ổn định, thông suốt. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao cơ bản hoàn thành đúng tiến độ. Tính đến tháng 6/2025, BHXH Việt Nam đã hoàn thành 2/7 nhiệm vụ năm 2025 do Bộ Tài chính giao, 5 nhiệm vụ còn lại đang thực hiện trong hạn.
Cùng với BHYT, số người tham gia BHXH và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục tăng. Cả nước hiện có 18,958 triệu người tham gia BHXH (tăng 652 nghìn người so với cùng kỳ năm 2024), trong đó BHXH bắt buộc là 17,061 triệu người và BHXH tự nguyện đạt 1,897 triệu người. Số người tham gia BHTN đạt 15,354 triệu, tăng gần 389 nghìn người. Công tác chi trả, giải quyết chế độ BHXH, BHTN được thực hiện kịp thời, đầy đủ: Hơn 61.600 người hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; 585.504 người nhận trợ cấp một lần; hơn 4,4 triệu lượt người nhận chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức; gần 400.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và hơn 8.000 người được hỗ trợ học nghề.
Trước yêu cầu triển khai hiệu quả Luật BHXH số 41/2024/QH15 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 51/2024/QH15 có hiệu lực từ 1/7/2025, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn, sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Đồng thời, công tác truyền thông chính sách được đổi mới, tận dụng tối đa nền tảng số, phổ biến rộng rãi những điểm mới của chính sách đến người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, số hóa hồ sơ tiếp tục được đẩy mạnh gắn với Đề án 06, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia và thụ hưởng chính sách. Quản lý đầu tư quỹ được thực hiện đúng quy định, an toàn và hiệu quả; công tác kiểm tra, thanh tra được tăng cường nhằm bảo vệ quyền lợi của người tham gia, xử lý nghiêm các vi phạm.
Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định chính sách BHYT nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung đang phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống người dân, góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
P.T