PVFCCo - Đạm Phú Mỹ: Các khoản đầu tư vào công ty liên kết mang lại hiệu quả ra sao?
Sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, ngoài vận hành sản xuất kinh doanh nhà máy Đạm Phú Mỹ, PVFCCo mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào những đơn vị khác.
Điển hình là việc PVFCCo đã nhận chuyển nhượng cổ phần từ các đối tác, hiện nay PVFCCo đang nắm giữ khoảng 25,99% cổ phần của Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX); 35,63% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Dầu khí (PVC-Mekong) và 43,34% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ (DPMP).
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ), tiền thân là CTCP Phân đạm và Hoá Dầu khí, được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103007696 ngày 31/8/2007 và sửa đổi lần thứ 14 ngày 16/1/2019 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp.
Tổng Công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con kể từ ngày 01/9/2008 theo Nghị quyết số 01/NQ-ĐHĐCĐ của Đại hội đồng cổ đông, trong đó Công ty mẹ - Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí – CTCP được hình thành từ bộ máy các phòng chức năng của Công ty cổ phần Phân đạm và Hoá chất Dầu khí, các Ban quản lý dự án và Nhà máy Đạm Phú Mỹ.
Tính đến ngày 30/6/2022, vốn điều lệ của Tổng Công ty lên tới 3.914 tỷ đồng, được chia thành 391.400.000 cổ phần phổ thông, mỗi cổ phần có mệnh giá là 10.000 VNĐ. Cổ phiếu của Tổng Công ty được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh từ ngày 5/11/2007 (MCK: DOM)
Sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, ngoài vận hành sản xuất kinh doanh nhà máy Đạm Phú Mỹ, PVFCCo cũng mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào những đơn vị khác. Điển hình là việc PVFCCo đã nhận chuyển nhượng cổ phần từ các đối tác, hiện nay PVFCCo đang nắm giữ khoảng 25,99% cổ phần của Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX); 35,63% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Dầu khí (PVC-Mekong) và 43,34% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ (DPMP).
Cụ thể, Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất tính đến ngày 31/12/2019, thể hiện PVFCCo đã đầu tư góp vốn vào PVTEX với số tiền 562,7 tỷ đồng và hiện nay PVFCCo đã trích lập dự phòng 100% cho khoản đầu tư này. Không chỉ có vậy, báo cáo tài chính cũng thể hiện việc PVFCCo cũng phải trích lập dự phòng với phần vốn góp vào Công ty CP Phát triển đô thị Dầu khí (PVC-Mekong) lên tới 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong BCTC hợp nhất tính đến ngày 30/6/2022, PVFCCo vẫn nắm giữ số cổ phần của PVTEX, PVC-Mekong và DPMP như cũ. Nhưng, thay vì đầu tư góp vốn vào công ty liên kết, thì PVFCCo chỉ chú trọng đầu tư góp vốn vào những đơn vị khác như: Công ty cổ phần chế biến thuỷ sản Út Xi và CTCP Công nghệ thông tin, Viễn thông và Tự động hoá Dầu khí với số tiền 20,502 tỷ đồng.
Về tình hình đầu tư kinh doanh, PVFCCo đầu tư vào 3 công ty liên kết: Công ty cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ, Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) và Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Dầu khí. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, tình hình kinh doanh và hoạt động sản xuất của các Công ty PVFCCo đầu tư hoạt động thiếu minh bạch, nhiều khoản phải thu không thu được, có khả năng mất trắng vốn.
Cụ thể, Đối với Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Dầu khí, BCTC hợp nhất đã được kiểm toán năm 31/12/2021 cho thấy, ghi nhận tổng nợ phải trả ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn là 188,531 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2020 là 187.232 tỷ đồng), khoản lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2021 là 476 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2020 là 475 tỷ đồng) và đã vượt vốn góp của chủ sở hữu. Công ty đang thiếu hụt nghiêm trọng khoản vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn và quá hạn.
Cũng theo BCTC, Công ty có khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Xây dựng Dầu khí – 3C trên Bảng cân đối kế toán với giá trị ghi sổ và giá trị dự phòng cho khoản đầu tư này là 5,4 tỷ đồng.
Đối với Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), theo BCTC giữa niên độ 2019 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), khoản đầu tư vào Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) trị giá 1.602,3 tỷ đồng đã được phía PVN trích lập dự phòng 100% và không còn ghi nhận giá trị hợp lý từ lâu. Dù đã đổi tên doanh nghiệp thành Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) và vận hành 12 dây chuyền gia công sợi DTY từ tháng 5/2019, song sau đó, do tình hình không thuận lợi, theo yêu cầu của đối tác nên đã giảm xuống chỉ còn 7 dây chuyền.
Theo báo cáo của PVN, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ sau 6 tháng đầu năm 2019. Còn khoản nợ xấu giữa PVN và PVTex cũng tăng nhẹ lên 294,1 tỷ đồng và được trích lập dự phòng 100%. Không chỉ vậy, PVN cũng phải thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh cho khoản vay dài hạn của PVTex và VDB với số dư gốc vay tính tới 30/6/2019 là 5.141,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo BCTC kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, Đạm Phú Mỹ ghi nhận số dư khoản phải thu ngắn hạn khác đối với Công ty cổ phần hóa dầu Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) với số tiền là 115, 725 tỷ đồng (trong đó phải thu liên quan đến bảo lãnh đối ứng là 107, 786 tỷ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVF) với số tiền là 110,143 tỷ đồng và lãi uỷ thác phát sinh chưa thanh toán với số tiền là 8.545 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại sản xuất Ngọc Lan với số tiền là 9,1 tỷ đồng.
Đối với VNPOLY, nghĩa vụ thanh toán phát sinh do Tổng Công ty đã ký 2 cam kết bảo lãnh đối ứng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh của PVN cho các khoản vay vốn trung và dài hạn của VNPOLY. Theo các Biên bản thoả thuận giữa PVN, VNPOLY và Tổng Công ty, PVN sẽ chịu trách nhiệm thu hồi nợ gốc và lãi vay đối với các khoản bảo lãnh mà các bên đã phải thay VNPOLY.
Trong vòng 7 ngày kể từ ngày PVN thu được khoản tiền trả nợ từ VNPOLY (bao gồm cả tiền gốc thanh toán và lãi vay), PVN sẽ hoàn trả cho Tổng Công ty số tiền tính theo tỷ lệ góp vốn của Tổng Công ty tại VNPOLY. Lãi xuất nhận nợ được xác định bằng lãi xuất không kỳ hạn do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam công bố, thời gian tính lãi bắt đầu từ ngày Tổng Công ty trả tiền thực hiện bảo lãnh đối ứng cho PVN.
Theo đánh giá của Ban Tổng Giám đốc, khả năng thu hồi khoản phải thu này là rất thấp do lỗ lũy kế của VNPOLY đã vượt quá vốn chủ sở hữu, và VNPOLY không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Như vậy, theo BCTC kiểm toán, tổng nợ xấu của Đạm Phú Mỹ kết thúc 6 tháng đầu năm 2022 (tính đến ngày 30/6/2022) với số tiền 235,022 tỷ đồng.
Các khoản vay để đầu tư vào dây chuyền NH3
Ngoài những khoản đầu tư góp vốn trên, khoản tiền lên tới 284 tỷ đồng của PVFCCo gửi tại OceanBank trước đây nay OceanBank đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Theo BCTC hợp nhất đã được kiểm toán năm 6 tháng đầu năm 2022, khoản tiền gửi vào OceanBank được ngân hàng này cam kết sẽ thực hiện chi trả tiền gửi theo lộ trình chi trả trong đề án tái cơ cấu ngân hàng đang trình Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ phê duyệt.
“Ngày 30/6/2022, khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 03 tháng của Tổng Công ty tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (trước đây là Ngân hàng TMCP Đại Dương) có số dư là 284 tỷ đồng đang bị hạn chế sử dụng. Theo Công văn số 5351/2016/CV-OCEANBANK ngày 04/10/2016, Công văn số 60/2018/CV-OCEABANK ngày 28/12/2018 và Công văn số 76/2020/CV-OJB-CNHCM ngày 12/08/2020, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương cam kết sẽ thực hiện việc chi trả tiền gửi của khách hàng theo lộ trình chi trả trong đề án tái cơ cấu ngân hàng đang trình Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ phê duyệt. Lãi tiền gửi đã được Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương chi trả từ ngày 01/10/2015 đến nay” Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán 6 tháng đầu năm 2022 nêu.
Tại BCTC hợp nhất đã soát xét 6 tháng đầu năm 2022, Đạm Phú Mỹ ghi nhận khoản vay 900 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.
Theo thuyết minh, tính đến ngày 30/06/2022, vay và nợ thuê tài chính dài hạn thể hiện khoản vay theo Hợp đồng cho vay dự án số 639/2016/PVFCCo-PVB/HĐTD ngày 25/10/2016 gữa Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh và Tổng Công ty với hạn mức vay là 1.752 tỷ đồng. Khoản vay này nhằm mục đích bổ sung vốn đầu tư vào Dự án nâng công suất phân xưởng NH3 Nhà máy Đạm Phú Mỹ và xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón NPK công nghệ hoá học do Tổng Công ty làm chủ đầu tư.
Thời hạn giải ngân là đến hết tháng tháng 6/2021. Thời hạn vay tối đa là 108 tháng, thời gian ân hạn tối đa là 24 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên (ngày 0/02/2017) hoặc một thời gian sớm hơn do bên cho vay xác định khi dự án hoàn thành và bắt đầu có nguồn thu. Lãi suất cho vay được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng lãi suất biên (2,5%/năm). Lãi vay được trả 6 tháng/lần tính trên dư nợ thực tế.
Khoản vay được thế chấp bằng toàn bộ giá trị công trình xây dựng và máy móc thiết bị thuộc Dự án nâng công suất phân xưởng NH3 Nhà máy Đạm Phú Mỹ và xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón NPK công nghệ hoá học.
Tiếp đến, để đảm bảo cho khoản vay Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PvcomBank) – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Tổng Công ty đã thế chấp toàn bộ nhà xưởng và máy móc thiết bị thuộc dự án Nâng công suất phân xưởng NH3 của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón NPK công nghệ hoá học, với giá trị còn lại tính đến ngày 30/6/2022 là 1.954 tỷ đồng (thời điểm ngày 31/12/2021 là 2.097 tỷ đồng).
Nguyên giá trị tài sản cố định hữu hình đã hết khấu hao nhưng vẫn còn sử dụng tính đến này 30/6/2022 là 6.458 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2021 là 6.377 tỷ đồng).