PNJ báo lãi 253 tỷ đồng trong quý 3/2023
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) vừa công bố BCTC quý 3/2023 với doanh thu giảm 6% so với cùng kỳ năm trước còn 6.917 tỷ đồng.
Cụ thể, trong quý 3/2023 PNJ ghi nhận 6.918 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng đạt 253 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường tiêu dùng vẫn chưa khởi sắc rõ rệt.
Doanh thu hoạt động tài chính gấp 4,2 lần lên 26,9 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí tài chính cùng chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng, nhưng công ty lại ghi nhận chi phí bán hàng giảm.
Kết quả, PNJ thu về 313,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do số thuế phải đóng trong quý vừa rồi giảm 17 tỷ đồng còn 60,2 tỷ đồng, lãi sau thuế của doanh nghiệp này đạt 253,3 tỷ đồng, vẫn tăng 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. EPS giảm từ 971 tỷ đồng về còn 724 đồng do số lượng cổ phiếu của công ty tăng 246,1 triệu lên 328,1 triệu.
Luỹ kế 9 tháng, PNJ ghi nhận 23.377 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng đạt 1.340 tỷ, tương đương ba quý đầu năm ngoái. EPS 4 quý gần nhất đạt 5.607 tỷ đồng.
Năm 2023, PNJ đặt mục tiêu 35.598 tỷ đồng doanh thu, 1.937 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 9 tháng, PNJ đã đạt 66% chỉ tiêu doanh thu và 69% mục tiêu lợi nhuận năm.
PNJ được thành lập vào ngày 28/04/1988 với tên gọi Cửa hàng Kinh doanh Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ). Đến tháng 01/2004, PNJ đã được cổ phần hóa và trở thành Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Năm 2009, cổ phiếu PNJ chính thức niêm yết tại HOSE, PNJ là doanh nghiệp kim hoàn đầu tiên và duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán cho đến nay.
Trải qua 33 năm hình thành và phát triển, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã không ngừng phát triển, trở thành một trong những nhà sản xuất và bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam với những nhãn hiệu nổi tiếng như PNJ Silver, PNJ Gold, CAO FINE Jewelry và Jemma. Không những thế, PNJ còn là đơn vị tiên phong trong việc xuất khẩu trang sức Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Năm 2020 biến động dữ dội bởi đại dịch Covid-19 đã đặt ra thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ để vượt khủng hoảng, đồng thời nhìn thấy được vận hội mới. Trước bối cảnh đó, PNJ đã nỗ lực F5 – Refresh một cách toàn diện để tái tạo nguồn lực, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới và gia tăng khả năng ứng biến linh hoạt trước nhiều rủi ro. Kết quả, PNJ đã lội ngược dòng một cách ngoạn mục và giành thắng lợi đột phá.
Doanh nghiệp không chỉ hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, đảm bảo sự tăng trưởng dương trong khi thị trường chung tăng trưởng âm, mà còn vươn đến vị thế mới – Doanh nghiệp xuất sắc nhất ngành kim hoàn châu Á – Thái Bình Dương. Qua đó, PNJ đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín ngành kim hoàn Việt Nam, thúc đẩy hợp tác quốc tế, tiến một bước quan trọng trên tiến trình gia tăng tầm ảnh hưởng sâu, rộng trên thị trường trang sức quốc tế.
Tại ngày 30/9, quy mô tài sản của PNJ đạt 13.055 tỷ. Trong đó, chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho với 9.709 tỷ đồng, giảm 4% sau một quý.
Khoản tiền mặt, tiền gửi ngân hàng cuối quý III là 1.475 tỷ đồng, tương đương so với cuối quý II. Doanh nghiệp vay 1.714 tỷ đồng tại ngày 30/9, giảm 52% sau một quý và hoàn toàn là vay ngắn hạn. Luỹ kế 9 tháng, PNJ đi vay tổng cộng 4.891 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 5.860 tỷ đồng.
Tiến Hoàng