Phú Thọ: Nâng tầm thương hiệu chất lượng bưởi đặc sản Đoan Hùng
Trong những năm qua, việc xác định rõ giá trị của bưởi đặc sản trong tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ, cây bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được đầu tư tập trung, tạo ra một giá trị sản phẩm hàng hóa có thương hiệu quốc gia, vươn mình xuất khẩu ra thế giới.
Được biết, chương trình phát triển cây bưởi của huyện Đoan Hùng phát huy hiệu quả cao, Ban chỉ đạo phát triển cây bưởi huyện đã chỉ đạo việc lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn, huy động nguồn vốn trong dân tập trung cho công tác đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích bưởi. Trong đó, huyện đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể và các hộ trong việc dồn đổi, tích tụ đất để có diện tích lớn, tập trung để trồng bưởi, hình thành các trang trại chuyên canh bưởi, nhằm tạo nhanh sản phẩm hàng hoá.
Trong đó, huyện cũng đã tập trung rà soát quỹ đất, tận dụng một số diện tích đất cao hạn, diện tích chân ven đồi để trồng mới 840 ha bưởi đặc sản; xây dựng kế hoạch thành lập các cơ sở sản xuất cây giống chất lượng cao đảm bảo cung cấp cho nông dân với giá thành hợp lý. Công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp đặc biệt là công tác quy hoạch vùng trồng bưởi hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô phù hợp tiếp tục được UBND huyện quan tâm chỉ đạo.
Thời gian qua, toàn huyện đã dồn đổi diện tích trồng cây lâu năm trong đó chủ yếu là cây bưởi được 438 thửa với diện tích là 78,33 ha; trong đó tự dồn đổi là 47,01 ha, chuyển nhượng là 25,65 ha. Hiện toàn huyện có khoảng 2.700 ha trồng bưởi, tăng hơn 1.027 ha so với năm 2016. Tính đến nay, huyện đã có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, bưởi Đoan Hùng là sản phẩm duy nhất đạt 4 sao của huyện.
Ông Hà Hải Long - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đoan Hùng cho biết: “Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện để thực hiện có hiệu quả dự án, mở rộng diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác quản lý chỉ dẫn địa lý, làm tốt công tác quảng bá, bảo vệ và phát triển bền vững thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng”.
“Năm 2022 toàn huyện đã có 105,65 ha bưởi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 1.036,3 ha đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Có 269 ha được cấp mã số vùng trồng. Phấn đấu đến năm 2025, sẽ nâng tổng diện tích cây bưởi đạt 3.000 ha; sản lượng trên 30.000 tấn, đồng thời bảo vệ và phát triển thương hiệu "Bưởi đặc sản Đoan Hùng” - ông Long cho biết thêm.
Đồng thời, UBND huyện ban hành các chính sách hỗ trợ về tài chính với quan điểm là hỗ trợ trực tiếp những khâu sản xuất mà người dân cần và khó áp dụng; ngoài chính sách đầu tư hỗ trợ của tỉnh, dự án WB7, sự nghiệp khoa học công nghệ thì nguồn ngân sách huyện hỗ trợ cho một số khâu, hạng mục thiết yếu.
Trong 5 năm, từ 2016-2020 tổng kinh phí chi cho Chương trình phát triển cây bưởi trên địa bàn huyện là gần 15 tỉ đồng. Giai đoạn 2020-2022, tổng kinh phí hỗ trợ cho cây bưởi là 9 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ các hộ trồng mới, mở rộng diện tích và thâm canh bưởi áp dụng quy trình GAP theo Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND là gần 4 tỉ đồng; hỗ trợ các hộ tham gia phương án nâng cao năng xuất, chất lương, mẫu mã bưởi quả cho bưởi thời kỳ kinh doanh theo Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND là hơn 5 tỉ đồng; ngân sách huyện hỗ trợ cho cây bưởi giai đoạn kiến thiết cơ bản: 600 triệu đồng; ban hành chính sách hỗ trợ trồng mới 10 triệu đồng/1 ha.
Đặc biệt, để cải thiện các hạn chế và nâng cao chất lượng bưởi, huyện đã đề xuất xây dựng dự án nghiên cứu kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng bưởi Đoan Hùng với diện tích 300 ha, tập trung vào hai giống bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân tại sáu xã: Bằng Luân, Minh Lương, Bằng Doãn, Phú Lâm, Hùng Xuyên và Chí Đám. Trong đó, 250 ha là diện tích áp dụng tiến bộ kĩ thuật nâng cao chất lượng cho bưởi giai đoạn kinh doanh và 50 ha là để trồng dặm, bổ sung thành vùng hàng hóa.
Ông Nguyễn Minh Mạch - Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh bưởi xã Chí Đám cho biết: “HTX được thành lập năm 2012 có 10 hộ đến năm 2014 thêm 6 hộ, tổng diện tích mô hình trồng bưởi Sửu tính tới thời điểm hiện nay có 8 hecta, trong đó có 4hecta được trồng từ năm 2006 đã cho thu hoạch ổn định mỗi năm khoảng từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/năm”.
Trao đổi với phóng viên ông Đặng Ngọc Trường - Chủ tịch UBND xã Chí Đám cho biết: “Điểm khác biệt của giống bưởi Sửu ở xã Chí Đám là cây bưởi này gần 1 năm mang quả trên cây, vị bưởi rất thơm ngon, khác biệt với các dòng bưởi khác về chất lượng. Bên cạnh đó, giống bưởi này khó trồng và đòi hỏi cao về kỹ thuật. Hàng năm huyện Đoan Hùng vẫn thường xuyên mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi cho bà con…”
Sơn Thủy