Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại
Trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch và tái cấu trúc nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực.
Bộ Nội vụ đặt mục tiêu xây dựng thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, đa tầng, đa ngành và hội nhập quốc tế, đồng thời chủ động điều tiết cung - cầu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của doanh nghiệp và người lao động.
Tín hiệu tích cực từ thị trường việc làm
Theo Bộ Nội vụ, đến hết tháng 6/2025, cả nước có khoảng 52 triệu người có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp duy trì dưới 3%, và lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 29%. Tổng số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm đạt 875.293 lượt, trong đó hơn 390.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, có 8.740 người được hỗ trợ học nghề, cho thấy xu hướng học nghề để tái hòa nhập thị trường ngày càng rõ nét.
Bên cạnh đó, nền tảng tuyển dụng Việc Làm Tốt ghi nhận nhu cầu tuyển dụng tăng 26%, tập trung chủ yếu tại Trung Bộ và Nam Bộ, những khu vực đang chứng kiến sự dịch chuyển sản xuất sau sáp nhập hành chính. Các ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh gồm: bán lẻ, nhà hàng - khách sạn và sản xuất.

Doanh nghiệp thiếu hụt lao động sản xuất
Ông Dương Việt Linh, Giám đốc Kinh doanh Việc Làm Tốt, cho biết chỉ 31% doanh nghiệp ngành sản xuất tuyển đủ lao động, trong khi 18% báo cáo tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng vẫn gặp khó do chênh lệch kỹ năng giữa người lao động và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh tuyển dụng, với hơn 68.000 vị trí cần tuyển trong tháng 6/2025. Phiên giao dịch việc làm tổ chức bởi Trung tâm Dịch vụ Việc làm thành phố Hà Nội thu hút 99 doanh nghiệp, với 15.659 chỉ tiêu.
TP.HCM cũng là điểm sáng khi tổ chức 43 phiên giao dịch việc làm, tư vấn cho hơn 141.000 người, đồng thời mở rộng chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trung tâm Dịch vụ Việc làm thành phố lên kế hoạch 8 phiên giao dịch trong tháng 7, dự kiến tư vấn cho gần 20.000 người, trong đó khoảng 900 người sẽ nhận được việc.
Điều tiết linh hoạt - hướng đến bền vững
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nhận định số hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm là tín hiệu tích cực, phản ánh tâm lý chủ động hơn của người lao động trong học nghề, tìm việc. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, có thể xảy ra “lệch pha” cung - cầu do yêu cầu kỹ năng của doanh nghiệp tăng nhanh hơn khả năng đáp ứng của lao động từ các khu vực mới sáp nhập.
Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh mô hình kết nối việc làm đa dạng: truyền thống, trực tuyến, liên kết liên tỉnh và quốc tế, giúp người lao động bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế - xã hội có cơ hội tái gia nhập thị trường.
Hướng tới thị trường lao động số hóa
Bộ Nội vụ cho biết từ nay đến cuối năm sẽ đẩy mạnh triển khai sàn giao dịch việc làm quốc gia, dự kiến khai trương trong tháng 9. Đây sẽ là nền tảng kết nối đồng bộ dữ liệu giữa người lao động và doanh nghiệp, chấm dứt tình trạng tìm việc và tuyển dụng thủ công.
Đặc biệt, Luật Việc làm sửa đổi tích hợp đăng ký lao động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó giúp xây dựng hệ thống quản lý thị trường lao động hiệu quả hơn, không cần khảo sát định kỳ mà vẫn có thể dự báo, điều tiết và kiểm soát được tỷ lệ thất nghiệp.
Thị trường lao động Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới tính minh bạch, chủ động và linh hoạt cao. Việc giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng cường đào tạo nghề và xây dựng hệ sinh thái việc làm thông minh là những tín hiệu cho thấy mục tiêu “thị trường lao động hiện đại, hội nhập và bền vững” không còn xa vời.
Không chỉ dừng ở việc đảm bảo “có việc làm”, Việt Nam đang đặt mục tiêu việc làm chất lượng - an toàn - được bảo vệ pháp lý. Nhiều địa phương đã tích cực thí điểm bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phi chính thức, đào tạo lại miễn phí, mở rộng kết nối với doanh nghiệp FDI, đưa lao động ra nước ngoài theo hợp đồng hợp pháp.