Nguyên tắc lựa chọn nơi đặt thủ phủ hành chính của tỉnh mới
Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng,…)...
Theo Bộ Nội vụ, về nguyên tắc xác định trung tâm hành chính - chính trị cần ưu tiên lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị của một trong những đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện có làm trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới. Điều này nhằm đảm bảo cho chính quyền địa phương cấp tỉnh nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.
Thứ hai, trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới phải có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng,...), dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, thành phố, các đô thị lớn, trung tâm kinh tế quốc gia hoặc các hệ thống không gian biển.

Thứ ba, trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới cần đảm bảo không gian phát triển trong tương lai, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị mới. Đồng thời, phải đảm bảo sự cân bằng, hài hòa giữa các địa phương khi sáp nhập, cũng như giữ vững quốc phòng và an ninh.
Cấp uỷ, chính quyền địa phương cần thống nhất nhận thức, có trách nhiệm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân địa phương.
Dựa trên nghiên cứu về lịch sử hình thành, phát triển và quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp tại Việt Nam, cùng với cơ sở khoa học về các yếu tố cấu thành đơn vị hành chính cấp tỉnh và kinh nghiệm quốc tế, đã đề xuất 6 tiêu chí như sau:
- Diện tích tự nhiên.
- Quy mô dân số.
- Lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc.
- Đặc điểm địa lý kinh tế.
- Yếu tố địa chính trị.
- Quốc phòng và an ninh.
Dự kiến sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ giảm khoảng 50%, từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện nay.
Về tiêu chí và định hướng sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp cơ sở, trên cơ sở nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển, cùng với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính tại Việt Nam và cơ sở khoa học về các yếu tố cấu thành đơn vị hành chính cấp tỉnh, đồng thời dựa trên kinh nghiệm quốc tế và mô hình chính quyền địa phương cấp cơ sở theo định hướng mới, đã đề xuất các tiêu chí sau:
- Diện tích tự nhiên.
- Quy mô dân số.
- Các tiêu chí liên quan đến: lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục và tập quán.
- Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, liên kết tiểu vùng và vùng tỉnh.
- Quy mô và trình độ phát triển kinh tế.
- Quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự xã hội.
- Hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin.
Dự kiến, sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm khoảng 70%, từ 10.035 đơn vị hiện nay xuống còn dưới 3.000 đơn vị.
H.A