Nghi vấn nhà thầu lợi dụng thi công công trình để khai thác cát ở Quảng Ngãi: Công an vào cuộc
UBND huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã giao Công an huyện chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương vào cuộc làm rõ nghi vấn Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Nguyên Tâm – Nhà thầu thi công một công trình xây dựng trên địa bàn đã lợi dụng việc được chỉ định thầu để khai thác
Nhà thầu một mực khẳng định mình làm đúng
Ngày 13/5, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng đã chủ trì Đoàn kiểm tra thực địa và làm việc với các chủ thể có liên quan tại công trường dự án Sửa chữa, khắc phục sạt lở, hư hỏng hạ lưu cống xả K35 kênh chính Nam Thạch Nham. Buổi làm việc tập trung phần lớn thời lượng để các bên phối hợp báo cáo, giải trình và cung cấp thông tin làm rõ nội dung mà Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh cách đây ít ngày.
Về phía chủ đầu tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi Hà Thế Vinh thẳng thắn, chúng tôi tuyệt đối không chỉ đạo hay tiếp tay cho nhà thầu thực hiện hành vi khai thác cát trái phép hoặc sử dụng vật liệu dư thừa, không đạt chuẩn để thi công công trình làm ảnh hưởng đến chất lượng. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng theo hồ sơ dự toán được duyệt, các chứng từ liên quan đến vật liệu đầu vào như: Đất, cát, đá… đều được kiểm tra, kiểm định nên phải đầy đủ hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
“Đến thời điểm này chúng tôi cũng không biết là nhà thầu có tổ chức khai thác cát ở đâu không, còn tại công trình thì không có cát, chỉ có bùn đất”, ông Hà Thế Vinh nói và cho biết, qua sự việc ông xin rút kinh nghiệm khi đã không kịp thời chỉ đạo các phòng, ban thường xuyên kiểm tra, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc trách nhiệm.
Đại diện UBND xã Hành Phước cho biết, khi chủ đầu tư và nhà thầu đến địa phương và tổ chức khởi công xây dựng công trình nhưng không thông báo, do đó chính quyền không nắm được bất cứ thông tin nào về quy mô, tính chất, thời gian triển khai công trình, hay số lượng nhân công tham gia, đường vận chuyển vật liệu để giám sát và thực hiện vai trò quản lý Nhà nước… cũng như phạm vi, mốc giới thi công dưới lòng sông. “Doanh nghiệp đào bới, múc cát dưới sông lên người dân thấy nên báo với chính quyền, chúng tôi phải chủ động liên lạc với doanh nghiệp để hỏi thì mới được biết”, đại diện UBND xã Hành Phước cho hay.
Còn bà Phạm Thị Điệp - Đại diện Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Nguyên Tâm một mực khẳng định doanh nghiệp chỉ thi công trong phạm vi được chủ đầu tư giao, đồng thời vật liệu sử dụng tại công trình tuân thủ hồ sơ được duyệt, có hoá đơn chứng từ rõ ràng. Nói về việc khởi công xây dựng công trình nhưng không thông báo với chính quyền địa phương, bà Phạm Thị Điệp cho rằng việc thông báo là của chủ đầu tư, còn nhà thầu chỉ báo với chính quyền sở tại khi đăng ký tạm trú cho nhân công ở lại, còn công trình này nhà thầu sử dụng lao động ở huyện Nghĩa Hành, đi về trong ngày nên không báo.
Song song đó, đại diện Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và xây dựng Liên Việt – Đơn vị tư vấn giám sát dự án cũng khẳng định rằng, mọi vật liệu phục vụ thi công dự án đã được nhà thầu sử dụng đúng theo hồ sơ thiết kế được duyệt, vật liệu trước khi đưa vào công trình đều có đơn vị tổ chức kiểm tra, lấy mẫu và thí nghiệm, thực hiện tuân thủ tất cả các quy trình, quy phạm.
Nhà thầu lấy vật liệu ở đâu để thi công ?
Theo văn bản trình chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát chấp thuận Phòng thí nghiệm của nhà thầu và nguồn vật liệu đầu vào để phục vụ dự án của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Nguyên Tâm, các loại vật liệu, nguồn gốc, tên nhà cung cấp và đơn vị thí nghiệm được thể hiện chi tiết. Trong đó, nguồn cát được sử dụng cho dự án lấy từ một mỏ cát thương mại ở huyện Mộ Đức. Tuy nhiên, trả lời phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện mỏ cát này khẳng định, lâu nay công ty không bán cát, xuất hoá đơn cho doanh nghiệp nói trên.
Cùng với đó, chủ mỏ đá xây dựng ở huyện Tư Nghĩa cũng khẳng định với phóng viên rằng, lần gần nhất doanh nghiệp xuất bán đá cho Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Nguyên Tâm là cách đây hơn 7 năm, với khối lượng rất ít. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, nguồn đá sử dụng tại dự án chủ yếu được lấy từ một mỏ đất ở huyện Mộ Đức; ban đầu mọi chuyện êm thuận, tuy nhiên sau đó do phía nhà thầu chây ì, không chịu thanh toán công nợ nên đơn vị cung cấp không tiếp tục giao hàng, nhà thầu tìm mua nguồn khác cho đủ khối lượng.
Ngoài ra, một doanh nghiệp cung cấp bê tông thương phẩm có trong “danh sách” cũng cho biết, lần phát sinh đổ bê tông cuối cùng cho doanh nghiệp nói trên đã cách đây hơn 2 năm. “Hiện tại phía Công ty Nguyên Tâm vẫn nợ chúng tôi hàng chục triệu đồng, đòi mãi không được”, nhà cung cấp lắc đầu.
Từ việc các nhà cung cấp vật liệu cấu thành chủ yếu để thi công kênh và rọ đá gia cố bờ sông là: Cát, đá hộc và bê tông thương phẩm đều “đồng thanh” hô không, vậy thì Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Nguyên Tâm đã sử dụng nguồn vật liệu ở đâu để thi công gói thầu số 02 của dự án, có giá trị ngót nghét 1 tỷ đồng?
Cơ quan Công an vào cuộc
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng nêu quan điểm, chủ đầu tư là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về thông tin và số liệu trong báo cáo, kèm theo tài liệu chứng minh. “Trường hợp chủ đầu tư báo cáo, nhưng các cơ quan xác minh chỉ ra là không trung thực thì Sở sẽ xử lý chủ đầu tư. Đây là đơn vị trực tiếp làm việc, công nhận sản phẩm và chi trả cho nhà thầu”, ông Võ Quốc Hùng nói.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, địa phương đã giao Công an huyện chủ trì phối hợp với Phòng tài nguyên và Môi trường cùng chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, xác minh và làm rõ việc có hay không Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Nguyên Tâm đã lợi dụng việc thi công công trình để khai thác, sử dụng cát trái phép. “Đúng – sai như thế nào địa phương sẽ làm rõ và báo cáo kết quả lên UBND tỉnh”, ông Đàm Bàng nói.