Hà Nội: Cận cảnh hoạt động khai thác cát ngoài giờ trên sông Hồng
Bất chấp các quy định của nhà nước về quản lý khai thác khoáng sản, các đối tượng vẫn ngang nhiên tổ chức khai thác cát trên sông Hồng tại khu vực bãi bồi xã Trung Châu, huyện Đan Phượng vào ban đêm, ngoài khung giờ quy định.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định "Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm". Và nội dung này phải được thể hiện rõ trong Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được cấp.
Để xử lý triệt để hành vi ăn cắp tài nguyên khoáng sản của các đối tượng trên địa bàn, UBND TP.Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản, trong đó có vấn đề quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn thành phố.
Trong năm 2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 897/UBND-TNMT ngày 31/3/2023 về việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 5/9/2022 của UBND thành phố về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND để tham mưu, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo giải quyết theo quy định.
Tại Chỉ thị số 15/CT-UBND, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố về quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, bảo đảm phù hợp với các tiêu chí về điều kiện hoạt động của bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông theo quy định của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan. Chủ trì đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các sở, ngành và UBND cấp huyện thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thành phố; xây dựng phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng đối với từng loại khoáng sản, đặc biệt với khoáng sản là cát, sỏi.
Các cơ quan quản lý nhà nước đã có văn bản yêu cầu rõ ràng là vậy, nhưng theo phản ánh của người dân địa phương hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội thời gian qua vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp.
Theo thông tin người dân địa phương cung cấp, những ngày gần đây tại khu vực bãi bồi sông Hồng thuộc địa phận xã Trung Châu, huyện Đan Phượng thường xuyên xuất hiện các tàu hút tổ chức khai thác cát trái phép vào buổi tối.
Từ thông tin người dân phản ánh, chiều muộn ngày 4/1, Nhóm phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có mặt tại khu vực bãi bồi thuộc địa phận xã Trung Châu, huyện Đan Phượng để ghi nhận thông tin.
Thời điểm này, tại khu vực người dân phản ánh thường xuyên xuất hiện hoạt động khai thác cát trái phép ngoài khung giờ quy định có một tàu hút tự hành công suất lớn đang neo đậu tại đây. Khu vực tàu hút neo đậu nằm sát chân bãi bồi đang bị sạt lở nghiêm trọng tạo thành những vách thẳng đứng. Chỉ cần một tác động nhẹ từ các con sóng có thể kéo theo hàng trăm mét khối cát xuống lòng sông.
Chiều ngày 4/1, một chiếc tàu vận chuyển cát cỡ lớn đã tiến thằng vào chân bãi bồi. Chỉ sau một vài thao tác của lái tàu, chiếc tàu vận tải cỡ lớn loại 300 m3 đã dễ dàng cập mạn chiếc tàu hút đang neo đậu sát chân bãi bồi. Sau khi tàu hàng đã cập mạn sát một bên, tàu hút tự hành đã nổ máy khai thác cát dù chỉ còn vài phút nữa là hết khung giờ được phép khai thác cát.
Với các vòi hút công suất lớn, chưa đầy 40 phút hai khoang chứa của tàu vận chuyển loại 400 m3 đã được lấp đầy cát. Trong lúc tàu hàng này chưa kịp dời đi thì một chiếc tàu vận chuyển khác loại 400 m3 đã tiếp tục cập mạn chờ lấy hàng. Cùng thời điểm này, ngoài chiếc tàu hút đang hoạt động hết công suất để hút cát cho các tàu vận chuyển thì tại khu vực này xuất hiện thêm một tàu hút tự hành có khoang chứa khoảng 300 m3. Trong vòng chưa đầy 30 phút, cả hai khoang chứa hàng của chiếc tàu tự hành này đã được lấp đầy bằng cát. Chiếc tàu này sau đó nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực bãi bồi, tiến thẳng về một bãi tập kết cát.
Đến 19h cùng ngày, hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra rầm rộ. Tiếng máy nổ, động cơ gầm rú vang động cả một khúc sông, phá tán đi sự tĩnh mịch của một khúc sông vốn bình yên.
Ngay sau khi phát hiện "có động", toàn bộ các phương tiện khai thác cát tại khu vực trên ngay lập tức tắt toàn bộ đèn chiếu sáng. Những chiếc tàu hút cát trên sông Hồng bỗng chốc trở thành những chiếc tàu “ma” cặm cụi “ăn hàng” trong bóng đêm.
Về vấn đề này, Nhóm Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ qua điện thoại với ông Lê Thanh Nam – Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng. Tuy nhiên vị này không nghe máy. Phóng viên cũng đã cung cấp thông tin về hoạt động khai thác cát trái quy định tại khu vực trên cho ông Nam, tuy nhiên đến thời điểm viết bài vẫn chưa nhận được hồi âm từ người đứng đầu UBND huyện Đan Phượng.
Liên quan đến sự việc trên, ngày 5/1 trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Đỗ Trung Thành – Chủ tịch UBND xã Trung Châu cho biết khu vực bãi bồi đang diễn ra hoạt động khai thác cát thuộc địa bàn quản lý của xã Trung Châu. Khu vực này có diện tích rộng khoảng 10 hecta, hiện đã được cấp cho một doanh nghiệp khai thác cát phục vụ dự án đường vành đai 4.
Theo ông Thành thì hoạt động khai thác cát tại khu vực này diễn ra khoảng hơn 20 ngày nay, hoạt động khai thác diễn ra trong khung giờ từ 7h sáng đến 17h chiều hàng ngày theo quy định. Tuy nhiên khi Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường cung cấp hình ảnh, video clip về hoạt động khai thác cát ngoài khung giờ quy định vào tối ngày 4/1, ông Thành tỏ ra khá bất ngờ vì chưa nắm bắt được thông tin này.
Dưới đây là chùm ảnh ghi lại hoạt động khai thác cát ngoài khung giờ quy định tại khu vực bãi bồi sông Hồng thuộc địa bàn xã Trung Châu, huyện Đan Phượng trong đêm, tối ngày 4/01.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…
Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…
“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Hà Nam - Huy Bình