Nghệ An: Đền thờ Vua Mai Hắc Đế đón nhận bằng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt
Nhân dịp kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu, đền thờ Vua Mai Hắc Đế ở thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trang trọng đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Tối 3/2, tỉnh Nghệ An đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt cho đền thờ Vua Mai Hắc Đế.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, cuộc đời và sự nghiệp của Vua Mai Hắc Đế khởi nguồn và gắn bó với mảnh đất Nam Đàn nơi mà những trầm tích văn hóa được tạo dựng, kết tinh có chiều dài lịch sử hàng nghìn năm.
Đây là dịp để tôn vinh, tự hào và trân quý hơn những giá trị lịch sử - văn hóa lớn lao của dân tộc được tạo dựng, bồi đắp, đánh đổi cả bằng máu xương của cha ông qua hàng nghìn năm. Dấu ấn lịch sử qua hệ thống di sản văn hóa và ý chí tự cường, độc lập, tự chủ mà cha ông để lại sẽ là sức mạnh tinh thần cho hậu thế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước,…
Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ: Khởi nghĩa Hoan Châu cùng khí phách kiên cường và quật khởi của Mai Thúc Loan đã viết nên trang sử nối tiếp truyền thống hào hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc ta, để lại những dấu ấn hết sức sâu đậm trong lòng mỗi người con xứ Nghệ, cũng như của cả dân tộc Việt Nam.
Ông cũng ghi nhận và biểu dương những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời với mục tiêu bảo tồn, phát huy di sản văn hóa mà Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Nghệ An đã đạt được trong những thời gian qua và thời gian tới tỉnh Nghệ An phải tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được cùng với đó, chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người; phát huy thế mạnh truyền thống vẻ vang của tỉnh Nghệ An để vững bước phát triển nhanh và bền vững.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, gắn với di tích đền thờ Vua Mai, lễ hội hàng năm là hoạt động mang đậm ý nghĩa, ôn lại truyền thống cao đẹp với đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, vừa là bài học giáo dục sinh động lòng yêu quê hương đất nước và đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân để con cháu mai sau học tập và noi theo.
Mai Thúc Loan sinh năm Canh Ngọ (670), nguyên quán ở làng Mai Phụ, huyện Thiên Lộc (nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi mang thai, thân mẫu Mai Thúc Loan dời sang thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt, huyện Nam Đường (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn – Nghệ An) sinh sống. Chứng kiến cảnh nhân dân lầm than bởi các chính sách đô hộ hà khắc, bóc lột của nhà Đường, với khát vọng giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc, năm Quý Sửu 713, Mai Thúc Loan đã dựng cờ khởi nghĩa. Mai Thúc Loan đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu lật đổ ách đô hộ của nhà Đường lập nên nhà nước Vạn An (713 - 722).
Ông chính là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có ý tưởng và thực hiện thành công chủ trương liên minh với các nước láng giềng trong cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước, tạo nên bước ngoặt to lớn trong lịch sử nghìn năm Bắc thuộc.
Cuộc Khởi nghĩa Hoan Châu với 10 năm độc lập (713 – 723) có ý nghĩa vô cùng to lớn; là một mốc son quan trọng trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc sau 1.000 năm Bắc thuộc. Đồng thời là bằng chứng lịch sử hùng hồn, khẳng định khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc ta trước sự xâm lược, thống trị ngoại bang, có tác dụng cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh to lớn cho các thế hệ người dân xứ Nghệ và toàn thể dân tộc Việt Nam kế thừa và phát huy trong công cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước hàng nghìn năm qua.
Để tưởng nhớ công lao của Mai Hắc Đế, nhân dân đã xây lăng mộ và lập miếu thờ. Các triều đại phong kiến nước ta đều có sắc phong truy tôn mỹ hiệu cho Mai Hắc Đế và liệt vào hàng quốc tế. Trải qua 13 thế kỷ tồn tại, lăng mộ của Vua Mai luôn được nhân dân giữ gìn chu đáo.
Hàng năm, di tích này vẫn diễn ra 2 lễ quan trọng là lễ hội Vua Mai từ ngay 13- 16/1 (Âm lịch) và lễ giỗ Vua Mai vào ngày 16/9 (Âm lịch)
Diễm Phước