Nghệ An: Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024
Sáng 8/5, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị giao ban toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024. Ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết: Kế hoạch năm 2023 giao đầu năm là 9.033,5 tỷ đồng, tính đến ngày 31/01/2024 đã giải ngân 8.586,774 tỷ đồng, đạt 95,05%, hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (đạt trên 95%) và cao hơn nhiều so với cùng kỳ (cùng kỳ chỉ đạt 84,86% kế hoạch giao đầu năm và 78,37% tổng kế hoạch giao).
Trong năm, có 4 nguồn giải ngân đạt khá và hoàn thành mục tiêu đề ra là nguồn ngân sách Trung ương - vốn trong nước (95,81%); nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (99,37%); nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (97,56%) và nguồn ngân sách địa phương (97,94%). Có 3 nguồn không hoàn thành mục tiêu là vốn nước ngoài (71,72%); Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (80,39%) và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (79,68%).
Đối với các huyện, thành, thị: Có 15/21 đơn vị hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95%; có 6 đơn vị chưa hoàn thành mục tiêu trên 95%, gồm: Quế Phong (89,41%), Quỳ Châu (89,21%), Con Cuông (87,93%), Quỳ Hợp (86,79%); Kỳ Sơn (82,64%) và thấp nhất là Tương Dương (63,8%).
Đối với các Sở, ngành, chủ đầu tư: Có 35/46 đơn vị hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95%, trong đó một số đơn vị đạt 100%; có 11 đơn vị chưa hoàn thành mục tiêu trên 95%, trong đó có 2 đơn vị xấp xỉ đạt mục tiêu là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (94,87%), Sở Tài nguyên và Môi trường (94,47%); còn 9 đơn vị đạt thấp là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (87,43%), Sở Công Thương (84,82%), Sở Văn hóa và Thể thao (83,27%), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (70,76%), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (65,28%), Sở Du lịch (48,57%), Trường Cao đẳng Việt - Đức (23,67%), Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An (10,1%) và thấp nhất là Sở Y tế (4,85%).
Đối với nguồn vốn đầu tư công tập trung theo kế hoạch năm 2024: Tính đến ngày 30/4/2024, đã giải ngân 988,933 tỷ đồng, đạt 21,37% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ (15,3%) và cao hơn so với bình quân cả nước (ước đạt 17,46%). Trong đó, một số nguồn vốn đạt khá như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giải ngân 269,19 tỷ đồng, đạt 60,8%; nguồn thu xổ số kiến thiết giải ngân 11,444 tỷ đồng, đạt 40,87%; nguồn thu sử dụng đất giải ngân 93,576 tỷ đồng, đạt 36,7%.
Kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024, đã giải ngân 57,612 tỷ đồng, đạt 10%. Có 24 đơn vị/tổng 68 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân khá. Các dự án trọng điểm liên vùng và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh cơ bản đảm bảo theo tiến độ.
Tính đến ngày 30/4/2024, tổng 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã giải ngân 431,914 tỷ đồng, đạt 21,29% kế hoạch, trong đó kế hoạch năm 2022 và năm 2023 kéo dài, giải ngân 57,612 tỷ đồng, đạt 10,68%; kế hoạch năm 2024, giải ngân 374,302 tỷ đồng, đạt 25,13%.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương báo cáo tình hình giải ngân trên địa bàn; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc đồng thời đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Các thủ tục đầu tư phải thực hiện qua nhiều quy trình; hiện đã có hướng dẫn cụ thể về Luật Đấu thầu, Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia... nhưng các địa phương vẫn còn lúng túng trong quá trình thực hiện...
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các ngành, địa phương, chủ đầu tư phải bám sát kế hoạch và cam kết giải ngân đã đăng ký để tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra, nắm chắc, bám sát tình hình, đánh giá việc thực hiện, kịp thời báo cáo các vướng mắc và đề xuất điều chỉnh, hoàn thành mục tiêu đề ra. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành việc thực hiện nguồn vốn đầu tư công; chủ động trong việc chỉ đạo xử lý tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng; phân công, phân nhiệm các đồng chí phụ trách từng dự án, từng nhóm dự án.
Đối với nhóm các dự án không có vướng mắc (84 dự án/1.280 tỷ đồng), các đơn vị tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn kịp thời các dự án này.
Nhóm các dự án đang còn vướng mắc hoặc đang triển khai hồ sơ thủ tục (76 dự án/1.858 tỷ đồng): Các đơn vị chủ động xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc kịp thời; có phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận, từng cá nhân, lấy hiệu quả xử lý công việc là tiêu chí đánh giá kết quả đạt được.
Đối với các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng (21 dự án ở địa bàn 15 huyện), đặc biệt là các dự án trọng điểm: Giao UBND các huyện, nhất là huyện có nhiều dự án như Nghi Lộc, thị xã Thái Hòa, Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, thành phố Vinh, Quỳnh Lưu cần tập trung xử lý dứt điểm, không để kéo dài. Mục tiêu phấn đấu đến hết tháng 6 không còn đơn vị, dự án giải ngân 0 đồng. Đến tháng 9 tất cả các dự án phải hoàn thành hồ sơ thủ tục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để thi công trên hiện trường. Lưu ý, việc đẩy nhanh tiến độ phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, đôn đốc các ngành, các huyện triển khai thực hiện đúng cam kết đã ký, tham mưu hoạt động của các Tổ công tác bảo đảm thực chất và có hiệu quả. Từ tháng 6, rà soát để đề xuất điều chỉnh, điều chuyển vốn kịp thời. Các dự án giải ngân chậm, dự án chưa giải ngân đồng nào kiên quyết điều chuyển để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Giao các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành, nhất là Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Công an tỉnh tập trung ưu tiên, hỗ trợ, hướng dẫn tối đa cho các chủ đầu tư trong việc hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, thẩm định các quy trình để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Vướng mắc ở đơn vị nào, chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh để xem xét, xử lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời hướng dẫn các huyện giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng; đồng thời xử lý các thủ tục liên quan đến mỏ đất, xác định giá đất, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Sở Xây dựng quan tâm biến động giá các loại nguyên vật liệu xây dựng, cập nhật thường xuyên và kiểm tra việc cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng hàng tháng làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.