Ngành ngân hàng sẽ đối mặt với những thách thức nào trong năm 2023?
Các chuyên gia nhận định, trong năm 2023 ngành ngân hàng sẽ đối mặt với thách thức đến từ môi trường quốc tế cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam. Nợ xấu của nền kinh tế được dự báo sẽ gia tăng trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp.
Theo đó, đến hết tháng 11/2022, NHNN đã phải tăng lãi suất 2 đợt (1%/đợt) để ổn định tỷ giá, trong khi các công cụ khác gần như đã sử dụng hết dư địa. Dự trữ ngoại hối hiện nay vừa mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (3 tháng nhập khẩu). Cùng với đó, theo nhóm nghiên cứu, việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng/giảm sẽ không đạt hiệu quả như kỳ vọng vì các ngân hàng thương mại còn phải tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo Thông tư 22/2019 của NHNN và biện pháp này thường áp dụng khi nền kinh tế gặp các cú sốc lớn. Biên độ giao dịch tỷ giá trung tâm cũng đã nới lên mức 5%...
Do vậy, với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất 50 điểm % trong tháng 12/2022 và quý I/2023, áp lực lãi suất và tỷ giá tăng còn khá lớn. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục duy trì công cụ hạn mức tín dụng trong năm 2022-2023 để kiểm soát lạm phát mục tiêu và thanh khoản hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, giải ngân đầu tư công còn chậm, khiến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn khó khăn.
Sau giai đoạn giảm liên tiếp từ mức 34,5% năm 2016 xuống 24% năm 2021, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống tăng dần lên mức 25,2% vào tháng 6/2022; tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn tăng từ 72,1% năm 2021 lên 74,1% vào tháng 6/2022. Đồng thời, tài sản mang tính thanh khoản cao như tiền gửi của tổ chức tín dụng tại NHNN giảm, trong 9 tháng/2022, các ngân hàng thương mại rút mạnh tiền gửi tại NHNN với tổng lượng tiền gửi tại NHNN của 28 ngân hàng thương mại quan sát là 176 nghìn tỷ đồng, giảm 48% so với đầu năm.
Ngoài ra, tín dụng đã tăng cao trong năm 2022 so với năm 2020-2021 trong xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Tính đến ngày 30/11/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,2%, cao hơn mức 11,5% cùng kỳ năm 2021. Lý do NHNN điều tiết thận trọng tăng trưởng tín dụng năm 2022 vì hạn mức tăng trưởng tín dụng là giải pháp kiểm soát cung tiền, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát; lo ngại rủi ro thanh khoản hệ thống, ảnh hưởng mục tiêu ổn định lãi suất và an toàn hệ thống. Tuy nhiên, NHNN cũng đang có kế hoạch, lộ trình bỏ đi công cụ hạn mức này ở thời điểm phù hợp; các chuyên gia cho rằng nên là 1-2 năm tới.
Trong khi đó, huy động vốn năm 2022 của tổ chức tín dụng tăng chậm lại so với năm 2020-2021, do dòng tiền đổ vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và trang trải chi phí đầu vào tăng.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 11/2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước tăng 5,5%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (6%); theo đó, cung tiền M2 chỉ tăng khoảng gần 7%, thấp so với mức 9% cùng kỳ năm 2021.
Trước những thách thức đó, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng đã kiến nghị nhiều chính sách.
Trong đó, tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, cân bằng giữa kiểm soát và thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá...
Tiếp tục đẩy nhanh các cấu phần trong Chương trình phục kinh tế - xã hội 2022 - 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công. Triển khai kịp thời hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, tăng tính lan tỏa, giảm áp lực vốn tín dụng, giảm nợ đọng; phấn đấu hết năm, đạt khoảng 85 - 90% kế hoạch giải ngân đầu tư công.
Chính phủ có đề án, kế hoạch cụ thể về giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp, hộ gia đình vừa đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính, bất động sản. Trong đó, cần sớm giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường tài chính, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính.
Tăng cường củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng cường giáo dục tài chính theo hướng nhanh chóng giải quyết, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm quy định trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đẩy nhanh quá trình sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như luật Đất đai, luật Nhà ở, luật kinh doanh bất động sản, lĩnh vực tài chính như luật Chứng khoán, luật Các tổ chức tín dụng, luật Doanh nghiệp và đấu giá, đấu thầu. Đồng thời, đẩy nhanh nghiên cứu và ban hành khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như Fintech, gọi vốn cộng đồng, mua chung bất động sản, quỹ tín thác đầu tư bất động sản… giúp đa dạng hóa kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp cũng như hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư…
Giám sát và chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ để phát triển lành mạnh thị trường bảo hiểm Việt Nam đã được đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030, tập trung các nhiệm vụ chính về hoàn thiện hệ thống pháp luật Kinh doanh bảo hiểm...