Mua vàng miếng SJC: Khách hàng đang bị 'thách thức'?
Với ngày càng nhiều quy định, thị trường vàng miếng SJC đã đạt được những "bình ổn" nhất định trong hai tháng trở lại đây. Song, ở góc độ của người mua vàng, điều này lại khiến không ít người gặp khó trong tiếp cận với nhu cầu chính đáng của mình.
Mua vàng miếng ngày càng khó?
Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, dưới sự những biện pháp can thiệp của NHNN, thị trường vàng Việt Nam đã chứng kiến một diễn biến đáng chú ý khi giá vàng miếng SJC hạ nhiệt đáng kể. Thậm chí có thời điểm rẻ ngang giá vàng nhẫn - một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, thị trường đã tạo ra một tình huống trớ trêu: trong khi giá cả trở nên hấp dẫn hơn thì việc sở hữu vàng miếng SJC lại trở thành một thách thức chưa từng có.
Theo thông báo mới nhất từ Vietcombank và VietinBank, kể từ ngày 8/8, hai ngân hàng sẽ giao vàng miếng cho khách sau 2 ngày làm việc, tính từ ngày đăng ký mua vàng miếng thành công. Điều này đồng nghĩa với việc khách mua vàng phải đợi tới 3 ngày mới có thể cầm được vàng trên tay.
Trước đó, Vietcombank và BIDV cũng “siết” điều kiện mua vàng miếng khi chỉ bán vàng cho các khách hàng cá nhân có tài khoản ngân hàng của mình.
Như vậy, để mua được 1 lượng vàng SJC – số lượng quy định cho mỗi khách hàng tại các ngân hàng thương mại, người mua cần phải mất 1 ngày đăng ký mua vàng miếng với đầy đủ thông tin cá nhân, 1 ngày đến các chi nhánh theo đúng khung giờ và địa điểm đã chọn để hoàn tất việc thanh toán mua vàng và 1 ngày chờ để nhận vàng.
Đáng nói, trước khi phải đợi 3 ngày để cầm vàng thì người mua phải vượt qua “ải” đăng ký mua vàng trên hệ thống trực tuyến của các ngân hàng. Không ít người buộc phải từ bỏ việc đăng ký mua vàng qua các ngân hàng thương mại khi hệ thống liên tục thông báo đã nhận đủ số lượng khách hàng đăng ký.
Chưa kể, nhiều người dân còn lo ngại trước việc thông tin của mình sẽ được phía NHNN chuyển đến cơ quan công an nhằm đảm bảo tránh tình trạng đầu cơ, duy trì vận hành ổn định thị trường. Vừa lo lắng thông tin cá nhân bị rò rỉ, vừa lo rằng bị quy là ‘đầu cơ’ trong khi chỉ mua vàng để tích trữ hoặc đầu tư khiến người mua chỉ biết “thở dài”.
Ở phía các công ty được cấp phép mua, bán vàng miếng SJC, tình hình cũng không khá khẩm hơn là bao. Mới đây, Công ty SJC đã có thông báo tạm ngừng mua vàng miếng 1 chữ cái khiến dân tình không khỏi bức xúc. Mặc dù sau đó, SJC đã thông báo mua vào vàng miếng 1 chữ trở lại sau khi được NHNN cấp quota dập vàng nhưng sự việc này vẫn khiến người dân lo lắng khi quyền lợi của người giữ vàng bị “phân biệt đối xử”.
Việc mua vàng cũng rất khó khăn khi các công ty như Bảo Tín Minh Châu, DOJI, PNJ liên tục thông báo hết vàng miếng SJC. Quy định liên quan đến mua, bán vàng miếng ngày càng nhiều trong khi số lượng vàng bán ra lại chỉ “nhỏ giọt”, thậm chí là gần như “đóng băng” khiến không ít người rơi vào cảnh có tiền cũng không mua được vàng.
Trước những diễn biến trên thị trường, vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn trong danh mục đầu tư của nhiều người. Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital thừa nhận, dựa trên tính toán những tác động từ chính sách quản lý thị trường vàng gần đây của NHNN, AFA Capital đã giảm tỷ trọng của tất cả các nhà đầu tư vào vàng.
Thị trường chợ đen sôi động
Sự trầm lắng trên thị trường vàng “chính ngạch” dường như trái ngược hoàn toàn với sự sôi động trên thị trường vàng chợ đen những tháng gần đây.
Không khó để tìm thấy những mẩu tin rao bán vàng miếng “sang tay” trên các hội nhóm về vàng ở Facebook. Tại nhóm “Mua bán giao lưu vàng miếng SJC, 9999 ở Hà Nội” với hơn 54.000 thành viên, mỗi ngày có tới vài bài đăng mua, bán vàng miếng SJC với mức giá cao hơn vài trăm đến vài triệu đồng so với giá niêm yết của các ngân hàng thương mại nhà nước và công ty SJC.
Gần như tất cả các tin rao bán vàng miếng SJC đều cam kết có đầy đủ giấy tờ và hóa đơn. Thậm chí, khi được đề cập mua vàng miếng SJC với số lượng lớn, vẫn có những người khẳng định sẽ gom đủ nhưng phải chờ vài ngày. Theo chia sẻ của người này, họ có “tay chân” trong cửa hàng vàng mới mua được.
Không riêng vàng miếng, vàng nhẫn, slot mua vàng miếng SJC tại các ngân hàng thương mại nhà nước cũng trở thành “món hàng” được rao bán. Không ít tài khoản rao bán slot mua vàng giá bình ổn tại các ngân hàng và công ty SJC với mức giá “chuyển nhượng” từ 500 nghìn – 1 triệu đồng/slot.
Sự đối nghịch ở thị trường vàng chính quy và thị trường vàng đen đã bắt đầu hình thành kể từ khi NHNN quyết định bán vàng bình ổn qua hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước và công ty SJC.
Theo nhận định của một chuyên gia vàng, việc có quá nhiều quy định hành chính cũng như việc các ngân hàng “siết” lại quy định mua vàng chính là yếu tố góp phần tạo nên sự sôi động trên thị trường chợ đen. “Khi mua vàng ở các kênh chính thông quá khó khăn, trong khi người mua có nhu cầu ‘ngay và luôn’ đã dẫn đến việc họ chấp nhận mua vàng chợ đen dù biết có rủi ro và phải chịu thiệt 1, 2 giá so với giá niêm yết của các ngân hàng thương mại nhà nước và công ty SJC”, ông nói.
Thách thức với người mua vàng?
Vàng từ lâu đã được xem là một tài sản an toàn, kênh trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động kinh tế, lạm phát hay khủng hoảng tài chính. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, khi các kênh đầu tư truyền thống khác như gửi tiết kiệm hay bất động sản đều chưa thực sự khởi sắc, vàng miếng vẫn luôn là lựa chọn tối ưu của nhiều người.
Không thể phủ nhận rằng những thay đổi trong chính sách về vàng miếng trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả nhất định. Giá vàng miếng SJC không còn “nóng sốt” như trước trong khi tình trạng đầu cơ, tích trữ quá mức gây bất ổn cho nền kinh tế cũng được hạn chế. Bên cạnh đó, việc bổ sung thêm nhiều quy định chặt chẽ cũng là cách để bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro từ thị trường vàng không minh bạch.
Song, ở góc độ người mua, nhiều ý kiến cho rằng việc quy định mua bán vàng miếng bị kiểm soát chặt chẽ hơn đang gây ra không ít bất cập cho người dân, nhất là những người muốn đầu tư và tích trữ vàng – nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân. Việc siết chặt các quy định không chỉ làm giảm sự linh hoạt trong các giao dịch mà còn tạo ra tâm lý bất an và lo ngại về tương lai tài chính cá nhân.
Thiết nghĩ, các biện pháp quản lý là cần thiết để duy trì sự ổn định chung nhưng việc cân nhắc đến quyền lợi và nhu cầu chính đáng của người dân cũng quan trọng không kém. Thách thức đặt ra là làm sao để cân bằng giữa quyền lợi cá nhân và lợi ích quốc gia, giữa nhu cầu đầu tư ngắn hạn và mục tiêu phát triển bền vững dài hạn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác từ cả phía nhà nước và người dân để xây dựng một thị trường vàng lành mạnh, minh bạch và hiệu quả.
Khánh Tú