MBS báo lãi 6 tháng suy giảm, nắm giữ hơn 1.200 tỷ đồng trái phiếu
Lũy kế 6 tháng, Chứng khoán MB (MBS) báo doanh thu 737 tỷ đồng, giảm 34%; lãi sau thuế 244,8 tỷ đồng, giảm 24%. Số dư vay nợ tài chính ngắn hạn của MBS ở cuối quý 2 hơn 5.663 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với đầu năm, chiếm gần nửa tổng nguồn vốn ở thời điểm này.
CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu hoạt động chỉ đạt 401 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Hầu hết các doanh thu như từ nghiệp vụ môi giới, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (EVTPL), lãi bán tài sản tài chính... đều giảm.
Trong đó, doanh thu môi giới chiếm tỷ trọng lớn nhưng lại giảm 22% so với cùng kỳ về mức 136.3 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng giảm 28% xuống gần 140 tỷ đồng.
Lãi từ tài sản tài chính FVTPL cũng giảm 12% về mức 71 tỷ đồng, các nguồn thu khác cũng giảm như hoạt động tư vấn, thu nhập khác dù không chiếm tỷ trọng lớn. Chỉ riêng lãi từ khoản đầu tư HTM tăng 33% lên gần 46 tỷ đồng.
Tuy nhiên một số khoản như lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn đạt gần 46 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ; cổ tức, tiền lãi phát sinh từ các tài sản chính FVTPL đạt 42 tỉ đồng, tăng 162%...
Các loại chi phí quý 2 của MBS cũng giảm đáng kể. Trong đó, chi phí hoạt động giảm 40% xuống còn 119 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí môi giới và lỗ tài sản FVTPL giảm mạnh. Ngoài ra, chi phí tài chính cũng giảm gần 20% còn hơn 80 tỷ đồng.
Sau cùng, MBS ghi nhận lãi sau thuế hơn 123 tỷ đồng trong quý 2/2023, tăng nhẹ 3% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, MBS có doanh thu 737 tỉ đồng, giảm 34%; lãi sau thuế 244,8 tỉ đồng, giảm 24%.
Năm 2023, MBS đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng. So với kế hoạch, công ty đã hoàn thành khoảng 34% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của MBS không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu năm, đạt 10.760 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay margin của công ty là 5.157 tỷ đồng, tăng 47,6% so với mức 3.494 tỷ đồng thời điểm đầu năm.
Trong đó, các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi lỗ (FVTPL) giảm mạnh 63% về còn 966,6 tỷ đồng. Chứng chỉ tiền gửi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục FVTPL của MBS với giá trị hơn 690 tỷ đồng, tương đương hơn 70% giá trị danh mục. Lượng chứng chỉ tiền gửi giảm đáng kể so với đầu năm, giảm 75% từ mức 2.611 tỷ đồng, nhưng tăng 70% so với cuối quý 1.
Dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán tại cuối quý 2 của MBS đạt 5.326 tỷ đồng, tăng gần 1.600 tỷ so với cuối quý 1.
Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ghi nhận 2.492 tỷ đồng, tăng 273 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 400 tỷ so với thời điểm cuối quý 1. Ngoài ra, MBS còn có hơn 1.474 tỷ đồng tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) với 1.256 tỷ đồng trái phiếu, 100 tỷ đồng chứng chỉ quỹ và gần 118 tỷ đồng cổ phiếu (phải trích lập dự phòng gần 83 tỷ đồng, tương đương lỗ 70%).
Chi tiết về danh mục cổ phiếu này, thời điểm cuối quý II, MBS nắm giữ gần 47 tỷ đồng cổ phiếu của CTCP Cảng Tân Cảng Hiệp Phước (dự phòng 30 tỷ đồng, tương đương lỗ 63,4%); 30 tỷ đồng cổ phiếu của Tổng Công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam (dự phòng 21 tỷ đồng, lỗ 70,8%); 26 tỷ đồng cổ phiếu CTCP Chế biến Thuỷ sản Út Xi (dự phòng 23 tỷ đồng, lỗ 86,3%);…
Nguồn vốn của MBS được hình thành phần lớn từ vay nợ tài chính ngắn hạn. Nợ phải trả của MBS ở mức 6.061 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, chủ yếu là vay ngắn hạn với giá trị 5.663 tỷ đồng.
Số dư vay nợ tài chính ngắn hạn của MBS ở cuối quý 2 hơn 5.663 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với đầu năm, chiếm gần nửa tổng nguồn vốn ở thời điểm này. Điều này cho thấy, MBS đã gia tăng vay nợ để có thêm nguồn tiền cho hoạt động cho vay (chủ yếu là cho vay margin).
Hiện MBS vẫn duy trì vị trị TOP 10 công ty chứng khoán có thị phần giao dịch môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo quý 2 và nửa đầu năm 2023. Riêng quý 2 vừa qua, MBS đạt thị phần 4,85%, cải thiện nhẹ so với mức 4,64% trong quý trước, qua đó ghi nhận mức thị phần 6 tháng đầu năm đạt 4,77%.
Trung Anh