Long An: Phấn đấu thành trung tâm kinh tế năng động, bền vững
UBND tỉnh Long An mới ban hành kế hoạch về việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình số 32-CTr/TU ngày 01/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn, UBND tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch thực hiện với nhiều mục tiêu quan trọng.
Theo kế hoạch đã được ban hành, UBND tỉnh Long An đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Long An là một trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững và duy trì dẫn đầu về quy mô kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.
Xây dựng nền công nghiệp vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn như: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng sạch, bền vững môi trường và giảm thâm dụng lao động. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.
Để đạt được những mục tiêu này, UBND tỉnh Long An cũng đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đến năm 2030 như sau: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9,0%/năm; quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021; cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2030 của tỉnh, khu vực I, II, III lần lượt là 7%, 64% và 29%; GRDP bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; tỷ trọng kinh tế số chiếm 15% GRDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt 55%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 40%; phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy 80% khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, là cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, duy trì vị thế tỉnh công nghiệp phát triển bền vững của cả nước.
Trên cơ sở các nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Long An.
Đồng thời, tổ chức triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, khả thi, phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh và các địa phương, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ theo tiến độ đề ra.
T.T