0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 27/02/2025 13:56 (GMT+7)

Lành mạnh hóa thị trường

Theo dõi KT&TD trên

Thông tin thực hiện Nghị quyết 170/2024/QH15 của Quốc hội, cho phép tháo gỡ vướng mắc của hàng loạt dự án bất động sản như một làn gió mát thổi vào nền kinh tế, góp phần hỗ trợ thị trường chứng khoán khi VN-Index chinh phục thành công mốc 1.300 điểm sau nhiều tháng biến động.

Những dự án bất động sản đã và đang bị “dính” thanh tra, vụ án, bản án nằm bất động sẽ được khơi thông, trả về với dòng chảy bình thường của thị trường.

Đây là một tín hiệu hết sức quan trọng, “kích hoạt” thị trường bất động sản, kỳ vọng trở thành đầu kéo hướng đến mục tiêu nền kinh tế tăng trưởng 8% trong năm nay.

Lành mạnh hóa thị trường
Ảnh minh họa.

Thị trường bất động sản, chứng khoán và nền kinh tế có mối liên hệ mật thiết. Lâu nay, “bộ tam” này đã minh chứng cho nguyên lý bình thông nhau: khi thị trường chứng khoán tăng mạnh, bất động sản sẽ sôi động, kéo theo sự phát triển của hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế; khi thị trường bất động sản ỳ ạch, đứng lại, thì gần như cả cỗ xe tam mã cùng rơi vào trạng thái tương tự.

Đó chính là lý do mà tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào ngày 21/2, lãnh đạo ngành ngân hàng cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay là 3,48 triệu tỷ đồng, nhưng rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Nếu được tháo gỡ, nó sẽ giúp cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng, lưu thông hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng.

Vậy làm thế nào để khơi thông nguồn tiền khổng lồ đang nằm trong bất động sản? Vấn đề lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay chính là chính sách. TP.HCM đang có khoảng 200 dự án bất động sản cần phải tháo gỡ, trong đó chiếm tỷ lệ không nhỏ là những dự án có nguồn gốc từ đất công, hoặc chờ tính tiền sử dụng đất, chờ phê duyệt quy hoạch…

Đủ kiểu vướng mắc dẫn đến dự án đóng băng nhiều năm, đồng nghĩa nguồn vốn đầu tư bị chôn vùi theo. Do các dự án bất động sản chủ yếu được hình thành từ vốn vay, lãi suất không ngừng gia tăng bất kể thứ Bảy, Chủ nhật, hay ngày lễ, Tết, khiến các chủ đầu tư kiệt quệ và trực tiếp đẩy giá thành dự án lên cao.

Thực tế cho thấy, số lượng dự án được phê duyệt đủ điều kiện mở bán chỉ xuất hiện nhỏ giọt, khiến thị trường phát triển méo mó. Giá nhà liên tục tăng, dần thoát ly khỏi mức thu nhập trung bình của xã hội. Thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, từ năm 2021 đến nay, phân khúc bình dân giá dưới 25 triệu đồng/m² hoàn toàn vắng bóng trên thị trường.

Do vậy, việc khẩn trương tháo gỡ vướng mắc pháp luật nhà ở chính là khơi thông thị trường bất động sản. Tháo gỡ pháp lý chính là một mũi tên bắn trúng hai đích: tăng nguồn cung cho thị trường để đáp ứng nhu cầu nhà ở và tháo điểm nghẽn vốn nằm kẹt cứng trong các dự án. Do đó, việc tháo gỡ pháp lý cho dự án nhà ở là hết sức cấp bách.

Mùa báo cáo tài chính vừa qua cho thấy, lợi nhuận “khủng” của các ngân hàng có sự đóng góp không nhỏ từ bất động sản. Lãi suất cho vay bất động sản hiện nay khá cao, điều này hết sức phi lý khi một bên sống thoi thóp, một bên lợi nhuận “khủng”. Vì vậy, việc hạ sâu lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư cần được thực hiện sớm. Từ đó, nguồn vốn đầu vào thấp sẽ góp phần hạ giá thành nhà ở.

Đối với việc hạ lãi suất cho vay mua nhà, mặc dù đã có 2 ngân hàng thương mại dành gói tín dụng lãi suất thấp cho người trẻ vay mua nhà, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Cần có chính sách cụ thể, rộng rãi dành cho các đối tượng chưa có nhà được vay với lãi vay cực thấp, ổn định xuyên suốt kéo dài hàng chục năm.

Bạn đang đọc bài viết Lành mạnh hóa thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cẩn trọng sốt đất ảo trước sáp nhập tỉnh, thành
Sau mỗi đợt sốt đất, nhiều nhà đầu tư mua vào ở đỉnh giá phải chôn vốn trong thời gian dài hoặc chấp nhận cắt lỗ. Các chuyên gia khuyến cáo, cần cẩn trọng trước những cơn sốt ảo, nhất là trong thời điểm chuẩn bị sáp nhập tỉnh, thành như hiện nay.
Giấc mơ nhà ở xã hội không xa vời
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang vào cuộc quyết liệt để hoàn thành 100 nghìn căn nhà ở xã hội ngay trong năm nay và 1 triệu căn đến năm 2030.

Tin mới

Xu hướng đồ uống healthy: Chìa khóa mới cho ngành F&B Việt
Xu hướng đồ uống healthy đang ngày càng trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng Việt Nam. Với sự kết hợp giữa sức khỏe và sự sáng tạo trong sản phẩm, ngành F&B Việt Nam đang chứng kiến một cuộc chuyển mình mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho các doanh nghiệp.
Kinh doanh đa cấp: Cần một hành lang pháp lý vững chãi và sự giám sát nghiêm minh
Quyết định chấn chỉnh hoạt động KD theo phương thức đa cấp của Bộ Công Thương, thể hiện qua Văn bản số 2624, không chỉ là một phản ứng kịp thời trước những diễn biến tiêu cực mà còn là một động thái cần thiết để tái định vị vai trò của mô hình kinh doanh này trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay.
Hà Nội dự kiến tên gọi 126 xã, phường sau sắp xếp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành văn bản về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố để thực hiện lấy ý kiến nhân dân và tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.