0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 19/04/2025 06:44 (GMT+7)

Kỳ vọng tăng trưởng thị trường vật liệu trong nước

Theo dõi KT&TD trên

Đầu tư công được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng của ngành vật liệu xây dựng (VLXD) trong năm 2025.

Doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước

Năm 2025 được xác định là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công góp phần quan trọng trong hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

E:\Hình ảnh tư liệu\Ảnh tư liệu\Vật liệu xây dựng\z6440553435894_a6b7354ef20f0407306c7ff7793d1eec.jpg

Thị trường vật liệu xây dựng nội địa được kỳ vọng khởi sắc.

Theo nhận định của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), VLXD nằm ở khâu cuối của chuỗi giá trị bất động sản–xây dựng–VLXD, chịu ảnh hưởng mạnh từ kinh tế vĩ mô và các ngành liên quan. Trong năm 2025, đầu tư công được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp VLXD.

Vietnam Report cho biết, biến động giá cả vẫn là thách thức lớn, với chỉ số giá nhà ở và VLXD tăng 26% từ tháng 1/2019 đến tháng 2/2025. Giá thép tăng 300.000-400.000 đồng/tấn từ tháng 8/2024, đạt 13,53-13,89 triệu đồng/tấn; xi măng tăng 50.000 đồng/tấn do giá điện tăng 4,8%, trong khi giá cát và đá leo thang vì khai thác bị hạn chế.

Đầu năm 2025, giá VLXD ổn định hơn, với thép ở mức 13.800 đồng/kg và xi măng từ 69.000-220.000 đồng/tấn và giá cát vẫn tăng 5-15%. Sự ổn định này tạo điều kiện cho các dự án xây dựng phục hồi, song ngành VLXD cần tìm động lực tăng trưởng mới thông qua kiểm soát giá hiệu quả và tận dụng nhu cầu từ hạ tầng.

Trong báo cáo thường niên của Viglacera, doanh nghiệp này cho rằng, thị trường bất động sản sẽ bước vào giai đoạn ổn định, tăng trưởng bền vững hơn. Trong đó, phân khúc dẫn dắt thị trường sẽ tập trung vào chung cư trung cấp, nhà ở xã hội và bất động sản khu công nghiệp… Thị trường VLXD dự kiến có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Từ đó, Viglacera đặt mục tiêu kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.437 tỷ đồng (tăng 21,3% so với năm 2024) và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.743 tỷ đồng (tăng 7% so với năm 2024).

Công ty CP Vicem Hà Tiên cũng dự báo ngành xi măng có nhiều tín hiệu tốt lên. Những khó khăn của ngành được Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, thị trường cuối năm 2024 đã có chuyển động tích cực. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

Vicem Hà Tiên cũng đề ra mục tiêu tài chính lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỷ đồng trong năm 2025 (tăng 206,2% so với năm 2024).

Động lực từ Nghị quyết 77

Ngày 10/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP (Nghị quyết 77) yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng VLXD sản xuất trong nước, nhất là xi măng, sắt, thép... (nhất là việc nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất đối với clinker).

Các chuyên gia cho rằng, sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành VLXD thể hiện qua Nghị quyết 77 đã "thổi làn gió động lực" để ngành phát triển trong thời gian tới.

PGS.TS Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, dù nước ta đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng nhu cầu sử dụng xi măng hiện nay còn thấp.

Tại các nước mới phát triển, từ nước nghèo chậm phát triển thành nước công nghiệp, khi GDP bình quân đầu người đạt trên 4.000 USD/năm, nhu cầu xi măng sẽ đạt trên 1.000 kg/người/năm. Nhưng mức tiêu thụ nội địa của Việt Nam hiện đang chưa đến 650 kg/người/năm.

"Tôi rất hoan nghênh tinh thần Nghị quyết 77 của Chính phủ và tin tưởng rằng, ngành VLXD nói chung và ngành xi măng nói riêng sẽ phát triển mạnh mẽ", PGS.TS Lương Đức Long nhấn mạnh.

Trao đổi về việc Chính phủ đề nghị các cơ quan nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất đối với clinker, PGS.TS Lương Đức Long cho rằng, đây là động thái tích cực để giải quyết bài toán cung vượt cầu của thị trường xi măng trong nước hiện nay. Tuy nhiên, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đưa mức thuế suất clinker về bằng 0 theo thông lệ quốc tế.

TS Võ Quang Diệm, Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam cũng cho biết, trong những năm qua, các doanh nghiệp trong hiệp hội đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với kỳ vọng vào thị trường trong nước sẽ có khởi sắc, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam phấn đấu tăng sản lượng sản xuất và tiêu thụ tấm lợp fibro xi măng từ 5-6%/năm.

"Sau khi Nghị quyết 77 được ban hành, tôi tin rằng chính sách, cơ chế ngành VLXD sẽ ổn định để các doanh nghiệp tập trung đầu tư, tiếp tục sản xuất các sản phẩm có chất lượng", TS Võ Quang Diệm chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết Kỳ vọng tăng trưởng thị trường vật liệu trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá vàng hôm nay 19/4 rơi thẳng đứng
Giá vàng hôm nay 19/4 giảm mạnh sau chỉ đạo bình ổn thị trường. Vàng miếng mất tới 6 triệu đồng/lượng so với hôm qua, chênh lệch với thế giới vẫn ở mức cao.
Bùng nổ nhượng quyền đồ uống: Xu hướng nhất thời hay chiến lược dài hạn?
Thị trường đồ uống Việt Nam đang chứng kiến một sự bùng nổ chưa từng có của các mô hình nhượng quyền. Từ những con phố nhỏ ở Hà Nội đến các trung tâm thương mại sầm uất ở Thành phố Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp những thương hiệu trà sữa, cà phê hay nước ép trái cây đang mọc lên như nấm sau mưa.
Thực hiện ngay các giải pháp để ổn định thị trường vàng
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng.

Tin mới

Hà Nội dự kiến tên gọi 126 xã, phường sau sắp xếp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành văn bản về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố để thực hiện lấy ý kiến nhân dân và tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.
Bùng nổ nhượng quyền đồ uống: Xu hướng nhất thời hay chiến lược dài hạn?
Thị trường đồ uống Việt Nam đang chứng kiến một sự bùng nổ chưa từng có của các mô hình nhượng quyền. Từ những con phố nhỏ ở Hà Nội đến các trung tâm thương mại sầm uất ở Thành phố Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp những thương hiệu trà sữa, cà phê hay nước ép trái cây đang mọc lên như nấm sau mưa.