Kinh doanh dưới giá vốn, Đạm Hà Bắc lỗ 350 tỷ
Theo báo cáo tài chính của CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, UPCoM: DHB), quý 2/2023 doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 901 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, giá vốn hàng bán của DHB quý 2/2023 lại ghi nhận tăng tới 25%, từ 816 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước lên 1.021 tỷ đồng, cao hơn so với doanh thu mà DHB mang về. Hai yếu tố trên đã đưa lợi nhuận gộp của Đạm Hà Bắc rơi xuống mức -199 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước đạt 785 tỷ đồng).
Doanh thu hoạt động tài chính của DHB tăng nhẹ từ 5,9 tỷ đồng lên 6,7 tỷ đồng. Chi phí tài chính lại giảm từ 242 tỷ đồng xuống còn 185 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm tỷ lệ lớn nhất với 95%, tương ứng 176 tỷ đồng.
Hai khoản chi phí là bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 53% và 6%, đạt lần lượt 14,3 tỷ đồng và 37,9 tỷ đồng.
Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp ghi nhận -350 tỷ đồng (cùng kỳ ghi nhận 478 tỷ đồng). Trước đó, quý 1/2023 là quý lỗ đầu tiên Đạm Hà Bắc ghi nhận sau 6 kỳ liên tiếp ghi nhận lãi.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Đạm Hà Bắc thu về 2.086 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt -479 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 1.346 tỷ đồng). So với kế hoạch năm đề ra, DHB đã hoàn thành 34% về doanh thu.
Trong năm 2023, Đạm Hà Bắc đã đặt chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế với lần lượt 6.129 tỷ đồng và 683,1 tỷ đồng, tương ứng giảm 4% về doanh thu và giảm 61% về lợi nhuận so với thực hiện của năm 2022.
Theo DHB, năm 2023 tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh địa chính trị quốc tế vẫn diễn biến khó lường, nguy cơ lạm phát, rủi ro năng lượng suy thoái kinh tế toàn cầu đang tồn tại…
Ngoài ra, nguồn than khan hiếm và giá than thế giới vẫn ở mức cao, giá trong nước dự báo sẽ tiếp tục tăng. Giá ure và NH3 thế giới dự báo sẽ giảm mạnh so với giá bình quân năm 2022.
Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận quý II/2023 của các doanh nghiệp phân bón sẽ thấp hơn quý I và đây có thể là mức lợi nhuận thấp nhất năm nếu xét về giá trị tuyệt đối.
Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá các loại phân bón trong 6 tháng đầu năm hầu hết giảm mạnh, nhất là phân đạm ure là do giá nguyên liệu đầu vào (khí, than) cho sản xuất phân bón giảm. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón từ tháng 5/2023 khiến nhiều doanh nghiệp phân bón đẩy mạnh xuất khẩu, giảm tồn kho. Động thái này đã khiến nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới dồi dào, gây áp lực giảm giá để thúc đẩy tiêu thụ.
Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của DHB đạt 7.105 tỷ đồng, giảm 476 tỷ đồng so với mức 7.581 tỷ đồng ghi nhận ngày đầu năm 2023. Tiền của doanh nghiệp giảm từ 207 tỷ đồng xuống còn 115 tỷ đồng (riêng từ 1/4/2023 giảm từ 348 tỷ đồng xuống còn 141 tỷ đồng).
Phải thu ngắn hạn từ các khách hàng là các doanh nghiệp giảm từ 285 tỷ đồng xuống mức 144 tỷ đồng. Hàng tồn kho của DHB tăng lên từ 847 tỷ đồng lên 869 tỷ đồng.
Tổng nợ của DHB đến ngày 30/6 đạt mức 7.837 tỷ đồng, tăng nhẹ 4 tỷ đồng so với mức 7.833 tỷ đồng ghi nhận ngày đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là nợ ngắn hạn với 6.308 tỷ đồng. So với ngày đầu năm, tổng nợ ngắn hạn của doanh nghiệp đã tăng thêm 54 tỷ đồng. Biến động chủ yếu là từ khoản phải trả ngắn hạn (bao gồm trả lãi vay ngân hàng, trả vật tư đã nhập khẩu, trả chi phí dự án tái định cư…), tăng từ 4.032 tỷ đồng lên 4.252 tỷ đồng.
Ngoài ra, khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp từ các ngân hàng lại ghi nhận giảm từ 1.749 tỷ đồng (ngày đầu năm) xuống còn 1.590 tỷ đồng ngày 30/6. Khoản vay dài hạn từ các ngân hàng cũng giảm từ 1.484 tỷ đồng xuống còn 1.404 tỷ đồng.
Anh Thư