Kiên Giang dành hơn 62.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở
Mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích sản nhà ở toàn tỉnh Kiên Giang đạt khoảng 46.855.748m2 sàn (tăng thêm 7.532.980m2 sàn).
UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt chương trình phát triển nhà ở giai đoạn năm 2021 đến năm 2030. Theo đó, tổng nhu cầu vốn cần để phát triển nhà ở tại tỉnh này đến năm 2025 khoảng hơn 62.352 tỷ đồng.
Trong đó, nhà ở xã hội khoảng 254.424m2 sàn; Nhà ở thương mại 1.375.165m2 sàn; Nhà ở do nhân dân tự xây dựng 5.894.191m2 sàn; Nhà ở công vụ khoảng 200m2 sàn.
Dự báo đến năm 2025 nhu cầu đất ở tăng thêm khoảng 2.728,82ha. Trong đó, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 35,34ha; quỹ đất phát triển nhà ở công vụ khoảng 0,11ha; quỹ đất phát triển nhà ở thương mại khoảng 763,98ha; còn lại khoảng 1.964,73ha phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.
Tổng nhu cầu nguồn vốn để phát triển nhà ở đến năm 2025 là khoảng 62.352,06 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở xã hội 1.824, 34 tỷ đồng; Nhà ở công vụ 1,43 tỷ đồng; Nhà ở thương mại 12.174,78 tỷ đồng; còn lại khoảng 48.351,50 tỷ đồng phát triển nhà ở riêng lẻ do dân tự xây dựng.
Được biết, mục tiêu Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp của tỉnh Kiên Giang, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm triển khai hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án nhằm tăng năng lực của ngành công nghiệp trong năm 2023, nhất là những dự án đầu tư trọng điểm.
Năm 2023, Kiên Giang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 48.000 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2022. Tỉnh đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phục hồi sản xuất công nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình hồi phục và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.
UBND tỉnh cho biết, để thực hiện mục tiêu phấn đấu thành lập mới 1.500 doanh nghiệp năm 2023, với tổng vốn 24.000 tỉ đồng, tỉnh sẽ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu và cụm công nghiệp, đảm bảo mặt bằng để thu hút đối với các dự án đầu tư mới, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế đầu tư, đất đai cho các khu công nghiệp, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để hoàn chỉnh đầu tư hạ tầng cho các khu và cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn đến năm 2025 về công nghệ, tư vấn và phát triển nguồn nhân lực; doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...
Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã giao Sở Xây dựng Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các địa phương để thu thập, số liệu tổng hợp nhu cầu về phát triển nhà ở nói chung, đặc biệt là nhà ở xã hội để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Kiên Giang xem xét phê duyệt kế hoạch hàng năm, giai đoạn 05 năm và định hướng đến năm 2030.
Hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở cụ thể của địa phương; triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để đề xuất UBND tỉnh chấp thuận địa điểm đầu tư dự án nhà ở.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, các địa phương nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và phát triển nhà ở nói chung và đặc biệt là nhà đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phần diện tích 20% của dự án nhà ở xã hội để thu hút các nhà đầu tư nhà ở xã hội.
Tiến Hoàng