Khát vọng vươn mình nơi miền Tây xứ Nghệ
Miền Tây xứ Nghệ đang chuyển mình, một vị thế, một diện mạo mới về miền Tây đang ngày càng được khẳng định, nhưng như thế vẫn là chưa đủ so với tiềm năng và...
Miền Tây xứ Nghệ đang chuyển mình - một vị thế, một diện mạo mới về miền Tây đang ngày càng được khẳng định, nhưng như thế vẫn là chưa đủ so với tiềm năng và thế mạnh của vùng đất cực Tây Nghệ An.
Tiềm năng và thế mạnh
Miền Tây tỉnh Nghệ An là vùng đất được thiên nhiên đặc biệt ưu ái. Đây là vùng đất đai rộng lớn của 11 huyện, thị xã với tổng diện tích tự nhiên 13.728,97km2, chiếm 83,36% diện tích toàn tỉnh. Ngoài hệ sinh thái đa dạng, khu dự trữ sinh quyển rộng lớn với ba khu bảo tồn thiên nhiên (Pù Hoạt, Pù Huống, Pù Mát), thác nước, các hồ thủy điện, hang động; tài nguyên khoáng sản lớn (đá trắng, đá vôi, thiếc, titan…), nơi đây còn có nhiều đặc sản nổi tiếng như cam, dược liệu, cá mát, gà đen, lợn bản…. Vùng miền Tây Nghệ An có 1 cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, 1 cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy - Nậm On và ba cửa khẩu phụ gồm Tam Hợp, Thông Thụ, Cao Vều. Đây là tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển kinh tế xã hội.
Mỗi một vùng đất nơi miền Tây xứ Nghệ còn gắn với những sự tích, những huyền thoại lập bản lập mường… với những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền rõ nét như lễ hội đền Chín gian, đền Vạn-cửa Rào, hang Bua… Những cơ sở và điểm nhấn này rất thuận lợi để thu hút du khách thăm quan, quảng bá phát triển du lịch.
Trong rất nhiều năm qua, bài toán đau đầu và cũng là một trăn trở lớn của tỉnh Nghệ An đó là làm sao để miền Tây thoát nghèo, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có.
Trong cuộc Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển miền Tây Nghệ An đến năm 2020 - tầm nhìn 2030” được UBND tỉnh Nghệ An phối hợp Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức, nhiều nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế đã hiến kế: Tỉnh Nghệ An cần có những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm có thêm sức hút thu hút càng nhiều càng tốt nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp. Mặt khác, tỉnh cần có hướng khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp vào đầu tư các cơ sở chế biến từ kinh tế rừng, dược liệu, rau củ quả, chăn nuôi đại gia súc để kích thích các ngành nghề này ở miền Tây, nhất là phát triển theo chuỗi giá trị. Để thoát nghèo đi lên khá rồi làm giàu, thì phải nhanh chóng nâng trình độ nền kinh tế tự sản tự tiêu lên nền kinh tế hàng hóa.
Cần tháo gỡ khó khăn
Chiều 7/12/2022, trong chương trình Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, 18 đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp tiến hành thảo luận tổ. Các đại biểu ở 6 huyện miền núi cao đề nghị UBND tỉnh và các ngành cần sớm tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn các huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, có chính sách hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng.
Về việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trương Minh Cương - Bí thư Huyện uỷ Quế Phong cho rằng, tiến độ triển khai rất chậm, trong đó có phần vốn sự nghiệp khó triển khai. Hiện đang là thời điểm cuối năm nên việc cấp cây, con giống cho đồng bào sẽ không đạt hiệu quả cao. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành hướng dẫn cho các huyện miền núi sớm hơn để đẩy nhanh tiến độ triển khai có hiệu quả trong thực tiễn.
Về các chính sách giảm nghèo bền vững, đại biểu Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, tỉnh và các ngành, các cấp đã quan tâm, có những kết quả nhất định nhưng nhìn chung, sự chuyển biến còn chậm. Trong đó, có 2 vấn đề là tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân ở các huyện miền núi còn nhiều; số lượng mô hình kinh tế có hiệu quả đếm trên đầu ngón tay.
Đi sâu phân tích vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện uỷ Tương Dương cho rằng, hiện diện tích đất sản xuất và đất rẫy luân canh của người dân ở các huyện miền núi ngày càng hạn hẹp, trong khi người dân không được hưởng tiền bảo vệ rừng. Vì vậy, UBND tỉnh cần có giải pháp giải quyết để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Phát biểu tại tổ thảo luận, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh, năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, có nguyên nhân chính là sự đồng thuận, đoàn kết của UBND tỉnh, sự lãnh đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, sự tạo điều kiện của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, với sự quan tâm của Trung ương, tỉnh phát triển toàn diện nhưng có ưu tiên trọng tâm, trọng điểm.
Trăn trở ấy cũng chính là khát vọng về một miền Tây xứ Nghệ sẽ sớm thay da đổi thịt. Tìm giải pháp để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là vấn đề cần phải được quan tâm hàng đầu hiện nay nếu muốn đưa khu vực miền Tây phát triển đi lên, tạo đột phá để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Muốn miền Tây Nghệ An không còn nghèo, hay nói cách khác là khai thác tốt tiềm năng lợi thế để phát triển hơn nữa thì tỉnh Nghệ An cần định hướng phát triển như thế nào cho phù hợp. Theo tôi, có thể đi theo hướng xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, lấy vùng đất Phủ Quỳ làm hạt nhân để tập trung vào các nhóm sản phẩm đặc hữu của địa phương.
Nguyễn Công