0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 25/10/2023 16:10 (GMT+7)

Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: Quyết liệt thực hiện để hoàn thành mục tiêu

Theo dõi KT&TD trên

Mới đây, Bộ Xây dựng có thông báo Kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh tại cuộc họp trực tuyến đẩy mạnh triển khai Dự án 5 - Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo (Dự án 5) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Dự án 5 - Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: Quyết liệt thực hiện để hoàn thành mục tiêu
Hỗ trợ gia đình một hộ nghèo tại xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái (ảnh: Việt Cường).

Kết quả tích cực, đáng ghi nhận

Đầu tháng 10/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các điểm cầu tại trụ sở Ủy ban nhân dân 26 tỉnh có huyện nghèo thuộc Dự án 5 nhằm đôn đốc, hướng dẫn, đẩy mạnh triển khai Dự án.

Dự án 5 là một dự án quan trọng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, mang tính nhân văn với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ về nhà ở, giúp họ có điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống, an cư lạc nghiệp.

Các Bộ, ngành, địa phương đã rất quan tâm, tích cực vào cuộc triển khai thực hiện. Đến nay, việc triển khai thực hiện tại các địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, đã có 26 tỉnh đã lập, phê duyệt Đề án với tổng số 91.453 hộ (gồm 59.250 hộ xây dựng mới và 32.203 hộ sửa chữa, cải tạo). Các tỉnh đã và đang thực hiện hỗ trợ cho khoảng 12.877 hộ, đạt tỷ lệ khoảng 39,7% theo kế hoạch năm 2023.

Đồng thời, Dự án này đã giải ngân vốn cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 277,897 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,25% theo kế hoạch năm 2023 và giải ngân vốn ngân sách địa phương khoảng 32,640 tỷ đồng.

Nhiều địa phương trên cả nước đạt được kết quả tốt và khả năng cao sẽ đạt 100% kế hoạch thực hiện của năm 2023, có thể kể đến như: Cao Bằng, Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, An Giang. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương kết quả đạt được rất khiêm tốn như: Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hóa, Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai.

Với kết quả trên, tuy việc thực hiện Dự án 5 đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận nhưng tổng thể chung vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra của năm 2023. Bộ Xây dựng xác định, nguyên nhân chủ yếu là do còn một vài địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện; việc rà soát, điều chỉnh danh sách các hộ theo Đề án còn chậm; nhà ở bị vướng quy hoạch, xây trên đất nông nghiệp, đất rừng; thiên tai, lũ lụt…

Triển khai nhiều giải pháp để đạt mục tiêu

Để đạt được mục tiêu đề ra của năm 2023, Bộ Xây dựng có đề nghị các Bộ, ngành và các địa phương cần tập trung, quyết liệt, đẩy mạnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chính, trọng tâm.

Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Dự án 5 đối với các địa phương, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ hỗ trợ thấp, giải ngân chậm.

Bộ Xây dựng sẽ cùng các Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lập kế hoạch phân bổ vốn năm 2024 kịp thời cho các địa phương triển khai thực hiện hỗ trợ trong năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản đôn đốc các địa phương có kết quả thực hiện thấp, giải ngân chậm và gửi văn bản hướng dẫn, trả lời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các địa phương liên quan đến Dự án này.

Ngoài trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng đề nghị các địa phương nhanh chóng bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương đối ứng, tùy vào điều kiện kinh tế của tỉnh để hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở.

Mặt khác, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền địa phương phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trên địa bàn, vận động cộng đồng ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.

Dự án 5 - Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: Quyết liệt thực hiện để hoàn thành mục tiêu
Nhà tình nghĩa do Báo Xây dựng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái hỗ trợ trao tặng nhà ở cho hộ nghèo (ảnh: Sơn Lâm).

Trong thời gian từ giờ đến cuối năm 2023, UBND tỉnh cần chỉ đạo các huyện nghèo, các xã có đối tượng thuộc Dự án 5 khẩn trương, quyết liệt thực hiện theo kế hoạch hỗ trợ đã đề ra và cố gắng phấn đấu đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn ngân sách Trung ương. Đặc biệt, sẽ giao trách nhiệm cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân để nâng cao trách nhiệm trong triển khai thực hiện đúng tinh thần phân cấp, phân quyền của Trung ương.

Bộ Xây dựng cho rằng, lãnh đạo UBND tỉnh cần đẩy mạnh chỉ đạo UBND cấp huyện, xã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời, xác nhận khối lượng xây dựng hoàn thành theo giai đoạn và xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng để sớm được giải ngân nguồn vốn hỗ trợ.

Sở Xây dựng sẽ thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, thiết kế này sẽ kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu, để có cơ sở phân bổ nguồn vốn.

Ngoài các nhiệm vụ trên, UBND tỉnh cũng cần rà soát lại Đề án đã phê duyệt để đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện về nhà ở để đảm bảo việc hỗ trợ đúng quy định. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đến người dân bằng hình thức phù hợp. Tổ chức công bố công khai các tiêu chí, đối tượng được thụ hưởng chính sách. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đặc biệt là những huyện, xã có kết quả thực hiện thấp.

Tổng hợp báo cáo của 25/26, Bộ Xây dựng cho biết, đến hết tháng 9/2023, các địa phương đã và đang hỗ trợ 12.877 hộ/32.352 hộ, đạt tỷ lệ khoảng 39,7% kế hoạch năm 2023; đạt tỷ lệ khoảng 14,08% (12.877 hộ/91.453 hộ) kế hoạch giai đoạn 2022 – 2025; đã giải ngân vốn đã cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 277,897 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,25% (277,897 tỷ đồng/1.020 tỷ đồng) năm 2023; đã giải ngân vốn ngân sách địa phương khoảng 32,640 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,26% (32,640 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng) kế hoạch giai đoạn 2022 – 2025.

Bạn đang đọc bài viết Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: Quyết liệt thực hiện để hoàn thành mục tiêu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.