0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 10/02/2024 07:44 (GMT+7)

Hiện thực hoá “giấc mơ” tăng trưởng GDP 6% năm 2024

Theo dõi KT&TD trên

Tại kỳ họp cuối năm nay, Quốc hội khóa XV đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 mức 6 - 6,5% nhưng lãnh đạo Tổng cục Thống kê và các chuyên gia kinh tế đều cho rằng đây là mục tiêu đầy thách thức.

Sẽ không quá nếu gọi con số này là “một giấc mơ” khi nhìn vào mức tăng trưởng GDP năm 2023 của cả nước ước đạt 5,05% so với cùng kỳ. Vậy giải pháp nào sẽ “biến giấc mơ thành sự thật”?

Vượt “cơn gió ngược” toàn cầu, GDP Việt Nam năm 2023 ước tăng 5,05%

Năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió đối với kinh tế thế giới. Trong khi đại dịch vẫn đang để lại hậu quả nặng nề, một loạt thách thức mới lại xuất hiện, bao gồm các cuộc xung đột địa chính trị, xu hướng thắt chặt tiền tệ tại các nền kinh tế lớn, tăng trưởng giảm tốc… Do vậy, mức tăng trưởng kinh tế GDP cả năm 2023 của Việt Nam ước tính tăng 5,05% dù không đạt mục tiêu đề ra, nhưng vẫn được đánh giá là một con số tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 của cả nước ước tính tăng 5,05% so với năm trước, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Như vậy đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu đồng/người/năm. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38%. Con số này không có nhiều thay đổi sau một năm. Trước đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận khoảng đạt mốc 400 tỷ USD vào cuối năm 2022, tăng hơn 10 lần so với năm 2000. Năm 2022 cũng là thời điểm thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt ngưỡng 4.000 USD/người/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới và duy trì xuất siêu năm thứ bảy liên tiếp.

Đánh giá về những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,05% trong khi tốc độ tăng dân số chậm hơn, điều này đã đẩy GDP bình quân đầu người tăng thêm 160 USD. Theo bà Hương, đây là mức đầu tư cao nhất trong vòng 5 năm qua. Bên cạnh đó, khách du lịch đến Việt Nam trong năm nay khoảng 12,6 triệu lượt người, vượt mục tiêu ban đầu là 8 triệu và đạt cả mục tiêu thay đổi là 12,5 triệu người. Điều này thể hiện Việt Nam là môi trường hấp dẫn không chỉ với các tập đoàn mà còn của cả người dân trên thế giới. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đánh giá, năm 2023, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá do ứng dụng mô hình công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, sản xuất công nghiệp các tháng trong năm 2023 diễn biến theo xu hướng tích cực, nhất là các tháng cuối năm. Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với năm trước.

Cũng theo khảo sát từ Tổng cục Thống kê đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2023 tích cực hơn quý III/2023 với 69,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2023 so với quý III/2023 tốt hơn và giữ ổn định (31,7% tốt hơn và 37,9% giữ ổn định), 30,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Dự báo quý I/2024 khả quan hơn quý IV/2023 với 71,6% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2024 so với quý IV/2023 tốt hơn và giữ ổn định (31,6% tốt hơn, 40,0% giữ ổn định), 28,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Theo kết quả khảo sát quý IV/2023, có 68,9% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý III/2023 (29,2% tăng, 39,7% giữ nguyên). Dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng với 72,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (29,3% tăng, 43,4% giữ nguyên), 27,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2024 khả quan hơn với 71,4% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2023 (24,6% tăng, 46,8% giữ nguyên); 28,6% doanh nghiệp dự báo giảm.

Hiện thực hoá “giấc mơ” tăng trưởng GDP 6 năm 2024

Triển vọng sáng cho kinh tế Việt Nam năm 2024

Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings mới đây đã đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2 năm 2024 và 2025. Cụ thể, trong báo cáo công bố ngày 9/11/2023, hãng xếp hạng tín nhiệm này đánh giá chính sách tài chính tiền tệ của Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế đất nước. Trên cơ sở đó, Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025. Fitch Ratings cũng tin rằng, các yếu tố cơ bản trong trung hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực và tăng trưởng bền vững sẽ mở ra triển vọng kinh doanh tích cực cho các ngân hàng.

Tổ chức Fitch Ratings đánh giá, những thách thức đối với nền kinh tế từ khó khăn trên thị trường bất động sản, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ ít tác động đến triển vọng kinh tế vĩ mô trong trung hạn cùng với dư địa chính sách dồi dào sẽ góp phần kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn. Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục củng cố nền tài chính công lành mạnh, với nợ Chính phủ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với các quốc gia cùng xếp hạng tín nhiệm. Trong trung hạn, Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 7% nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn FDI mạnh mẽ và nguồn lao động dồi dào. Bên cạnh đó, việc tham gia vào mạng lưới FTA rộng khắp của khu vực và toàn cầu trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" sẽ tiếp tục thúc đẩy thu hút FDI mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.

Theo đánh giá của Fitch Ratings, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã dần cải thiện sau mức giảm mạnh trong năm 2022 và sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2024, 2025, phản ánh dòng vốn quay trở lại và thặng dư thương mại lớn hơn. Trong trung hạn, thu ngân sách sẽ được củng cố nhờ vào các giải pháp mở rộng cơ sở thu thuế đặt ra tại Chiến lược tài chính đến năm 2030 của Việt Nam. Tổ chức Fitch cho rằng, cùng với việc Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế lấy lại được đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Còn theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố mới nhất, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%. Đáng chú ý nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024, đạt 5,8%. Trong danh sách mà IMF dự báo, dẫn đầu với Macau (Trung Quốc) tăng trưởng 27,16%, Guyana 26,56%, Palau 12,40%, Niger 11,14%, Senegal 8,82%. Đông Nam Á có Campuchia (6,13%) và Philippines (5,88%) có dự báo tăng trưởng cao hơn VIệt Nam. Giới chuyên gia IMF bày tỏ lạc quan về triển vọng trong trung hạn, với mức dự báo tăng trưởng GDP đạt 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025. Đó là do nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam chịu nhiều tác động của nhu cầu sụt giảm từ bên ngoài trong năm nay, song nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có được từ trước thời kỳ đại dịch COVID-19 vẫn được duy trì.

Cùng với đó, trong báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo mức tăng trưởng lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025. Các chính sách hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, dỡ bỏ các rào cản trong việc thực hiện đầu tư công và giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Ngân hàng Thế giới cho rằng, môi trường bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang bị thử thách bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, từ đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế. Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu - bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng - vì chúng là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn. Cùng với đó, WB cũng lưu ý nhu cầu trong nước được kỳ vọng vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức thấp. Lạm phát trung bình cả năm 2024 là 3,0% vào năm 2024 và 2025 với giả định giá năng lượng và hàng hóa ổn định.

Giải pháp nào "hiện thực giấc mơ"?

Những triển vọng và niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế năm 2024 cũng được thể hiện qua Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được thông qua tại Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Quốc hội khóa XV đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 của nước ta đạt từ 6 - 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân từ 4 - 4,5%. Đánh giá về mục tiêu này, ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đặt mục tiêu tăng trưởng 6% đến 6,5% là khả quan bởi ba trụ cột tăng trưởng: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đều rất khả quan.

Ông Lâm phân tích, xuất khẩu trong thời gian qua bị kìm hãm nhưng cuối năm đã phục hồi rất tốt, có triển vọng. Trong thời gian tới, nhu cầu thị trường thế giới tăng, khả năng phục hồi của xuất khẩu của nước ta là rõ nét. Cùng với đó, nhu cầu của thị trường trong nước cũng đang có dấu hiệu phục hồi. Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, khối lượng tiền lớn từ gói hỗ trợ kích cầu theo Nghị quyết 43 được đưa vào nền kinh tế mới thực sự ngấm, phát huy hiệu quả sẽ tác động lớn tới thị trường. Lượng tiền lớn ra thị trường sẽ kích thích sản xuất, tiêu dùng. Về đầu tư, đầu tư công vẫn được giải ngân tuy có chậm, song, đầu tư tư nhân sẽ phục hồi bởi sau một năm khó khăn, thị trường và doanh nghiệp cũng dần phục hồi. Còn về tiêu dùng, theo ông Trần Văn Lâm nhận định, năm 2024 Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tiền lương, điều này cũng tạo sức cầu lớn, do đó, nền kinh tế có cơ sở tăng mạnh hơn năm nay. Nếu như không có những yếu tố tác động ngược chiều, đột biến thì mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024 hoàn toàn có thể đạt được.

Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng, những thách thức nền kinh tế năm 2024 hiện đang rất rõ nét bởi bối cảnh xung đột diễn ra ở nhiều nơi vẫn diễn ra gay gắt; chuỗi cung ứng toàn cầu về linh phụ kiện, xuất khẩu vẫn đứt gãy; các nước lớn đang gia tăng các biện pháp bảo hộ ngày càng rõ rệt… Điều này đã và đang tác động rõ rệt đến Việt Nam năm 2023 và chưa có dấu hiệu chấm dứt năm 2024. Theo nhiều chuyên gia, hơn 30 năm sau đổi mới 1986, đây là thời điểm khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam. Sau đại dịch Covid-19, những yếu kém nội tại của nền kinh tế ngày càng bộc lộ như thâm dụng vốn, năng lượng, giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu thấp, năng suất lao động khó cải thiện.

Hiện thực hoá “giấc mơ” tăng trưởng GDP 6 năm 2024
Vượt cơn gió ngược, kinh tế Việt Nam tạo đà cho tăng trưởng 2024.

PGS.TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại bất hợp lý: Vốn rẻ nhưng doanh nghiệp không mặn mà; nhà ở cho người có nhu cầu thật, giá bình dân thiếu, trong khi phân khúc cấp cao dư thừa; vốn đầu tư công nằm chờ dự án; Việt Nam là thị trường có độ mở lớn với hơn 200% GDP, song xuất khẩu hầu hết là đến từ khu vực FDI, doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt ra nước ngoài, định vị được rất thiếu, yếu và hiếm. PGS.TS.Trần Đình Thiên cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang là vài chục %, còn doanh nghiệp thành lập mới có tăng song tốc độ giảm. Theo ông Thiên, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là thật, "chết" thật! Còn tỷ lệ gia nhập thì chưa chắc là "thật" vì họ chưa tạo ra sản phẩm ngay, thậm chí doanh nghiệp mới thành lập thường phải có lỗ kế hoạch tính tháng, tính năm mới cho ra sản phẩm mới, tạo giá trị gia tăng, phát triển được.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những doanh nghiệp mới thành lập, đăng ký thành lập chưa tạo ra giá trị, chưa đóng góp tăng trưởng GDP, thậm chí đó là chưa nói đến việc doanh nghiệp đăng ký mới có thể là "ảo" do chính sách đăng ký thành lập doanh nghiệp hiện nay thông thoáng, có nhiều hình thức lập doanh nghiệp để đấu giá, quay vòng hóa đơn, lừa đảo, trốn thuế… gây hại cho nền kinh tế thực.

Trong khi đó, theo GS.TS.Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các yếu tố tác động làm ảnh hưởng đến nền kinh tế năm 2022 - 2023 đã được nhìn nhận rõ và năm 2024 nếu muốn GDP tăng trưởng, phải giải quyết dứt điểm các yếu kém này. Nếu làm được, không chỉ tăng trưởng 6-6,5% mà còn có thể cao hơn. Ông Cường cho rằng, các hạn chế, yếu kém làm suy giảm nền kinh tế năm 2023 đã được chỉ ra như hệ quả của đại dịch Covid-19, lãi vay đè nặng lên cân đối tài chính của doanh nghiệp, doanh nghiệp đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu đơn hàng do nhiều thị trường xuất khẩu "thắt lưng buộc bụng", kênh huy động vốn (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp) gặp sự cố, nhà đầu tư mất niềm tin, thị trường bất động sản trầm lắng, đầu tư công chậm chạp, tình trạng nhiều đại dự án kéo dài, trì trệ giải ngân… Theo GS.TS.Hoàng Văn Cường, những yếu tố tiêu cực, hạn chế của nền kinh tế đã được nhìn nhận, và giờ là lúc tìm giải pháp để khắc phục. Hy vọng năm 2024, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương "nhìn thẳng vấn đề" có đối sách hợp lý sẽ có dư địa tăng trưởng cao hơn, tốt hơn nhằm hiện thực hóa mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025.

Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước tạo đà thuận lợi phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo, ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ và các địa phương cần thực hiện một số nhóm giải pháp sau:

Một là, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương đánh giá những tồn tại, bất cập, thách thức đang cản trở các nhóm động lực tăng trưởng hiện nay, đặc biệt đối với nhóm thể chế và môi trường pháp lý, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tối đa sức mạnh, tính hiệu quả của từng nhóm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết dựa trên năng lực cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Khơi thông các nguồn lực, gắn tinh thần trách nhiệm và chịu trách nhiệm của thủ trưởng các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương.

Hai là, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó ưu tiên thực hiện chính sách tài khóa hợp lý hỗ trợ tăng trưởng. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. Nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Đặc biệt, Chính phủ cần cập nhật, điều chỉnh kịp thời các giải pháp phù hợp với thay đổi của kinh tế thế giới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất. Ngân hàng Nhà nước cần kiên định thực hiện chính sách tín dụng và lãi suất phù hợp, hài hòa với nhu cầu, đảm bảo lợi ích của các thực thể có liên quan trong nền kinh tế, giữ giá trị Việt Nam đồng, giảm áp lực lạm phát tiền tệ đối với nền kinh tế; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước.

Ba là, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng, thực hiện vai trò thúc đẩy, gánh vác và bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác. Chính phủ và các địa phương cần đổi mới công tác lập, phân bổ kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án trở thành công trình hiệu quả. Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, cần cải thiện cơ chế quản lý đầu tư, tăng cường quản lý tài sản công, nâng cao hiệu quả thu, chi ngân sách.

Để giải ngân nhanh vốn đầu tư công, Chính phủ cần có giải pháp nhằm phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Đồng thời khẩn trương nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp. Đặc biệt, cần tập trung xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB), Chính phủ nên bố trí GPMB thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Các cơ chế và mức bồi thường GPMB phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai.

Bốn là, chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và định hình lại chuỗi cung ứng. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn là động lực quan trọng không chỉ trong thập kỷ này mà cả trong thập niên tới. Chính phủ cần khẩn trương nắm bắt các ngành, lĩnh vực nào sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới trong thời gian tới, kịp thời sửa đổi và bổ sung Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu để đưa kinh tế Việt Nam hòa vào dòng chảy, thuộc nhóm đi tiên phong trên một số lĩnh vực của kinh tế thế giới.

Năm là, Chính phủ cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Cùng với đó, Chính phủ khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách, giải pháp để giá điện dần vận hành theo cơ chế thị trường; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; nghiên cứu ban hành chế tài, quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện gây thiệt hại sản xuất.

Sáu là, bối cảnh kinh tế thế giới biến đổi nhanh, phức tạp; ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh là xu hướng tất yếu, không thể trì hoãn, đang làm thay đổi rất nhanh cấu trúc kinh tế thế giới ngay trong thập kỷ này. Cùng với đó, chuỗi cung ứng toàn cầu được sắp xếp lại trong một trật tự kinh tế toàn cầu lỏng lẻo. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, muốn phát triển Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng kinh tế thế giới. Vì vậy, Chính phủ phải nắm bắt thời cơ, kiến tạo động lực mới cho phát triển. Chính phủ cần khẩn trương xây dựng chiến lược, với các giải pháp toàn diện, đồng bộ, kế hoạch và lộ trình thực hiện chi tiết, cụ thể để tạo dựng và phát triển một số ngành, lĩnh vực sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như: lĩnh vực công nghệ cao, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; kinh tế tuần hoàn; năng lượng tái tạo.

Đinh Hiệu

Bạn đang đọc bài viết Hiện thực hoá “giấc mơ” tăng trưởng GDP 6% năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tỷ giá USD hôm nay 20/11: Giao dịch giữ mức 25.507 đồng/USD
Rạng sáng nay 20/11, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước niêm yết giữ 24.293 đồng/USD. Cùng thời điểm, các ngân hàng thương mại chủ yếu chỉ thay đổi giá mua và vẫn giữ giá bán ở 25.507 đồng. Chỉ số USD Index (DXY) đạt 106,37 điểm.
Ứng phó khi tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao
Tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao và thiết lập kỷ lục mới. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan quản lý cần làm gì để ứng phó với biến động của tỷ giá.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.