Hà Nội: Vì đâu, khiến kênh mương Đan Hoài hư hỏng hơn 7 năm chưa được sửa chữa?
Hệ thống kênh mương Đan Hoài chạy qua địa phận huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng trong nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được duy tu, sửa chữa, gây mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân.
Người dân mong mỏi từ lâu
Theo phản ánh của người dân, đoạn kênh mương Đan Hoài dài hơn 5km chạy qua địa phận huyện Đan Phượng đã bị xuống cấp từ nhiều năm qua, nhiều lan can làm bằng bê tông bị đứt gãy, mái kênh bị sạt lở, các tấm đan lát mái bị đẩy trồi, sụt sạt. Đáng chú ý, tình trạng này đã diễn ra hơn 7 năm qua nhưng vẫn chưa được sửa chữa triệt để.
Bà N.T.H, một người dân thường xuyên đi tập thể dục trên đoạn đường N2 chạy qua kênh Đan Hoài cho biết: “Đoạn mương này bị sạt lở từ lâu rồi. Từ đó đến nay cũng chưa có tai nạn nào xảy ra vì chúng tôi sẽ tránh xa những khu vực đó. Thực ra cũng có chỗ được rào chắn lại rồi, nhưng cũng có chỗ bị bỏ không. Chúng tôi cũng chờ lâu lắm rồi mà chưa thấy đơn vị nào sửa chữa cả”.
Đi từ xã Hạ Mỗ đến xã Song Phượng, phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận khoảng 20 vị trí hư hỏng, trong đó có 10 đoạn lan can bị đứt gãy, đổ xuống lòng kênh mương. Tuy nhiên, phía UBND huyện chỉ đang tạm thời che chắn bằng các tấm lợp tôn. Sau một thời gian, những khu vực đó tiếp tục bị sạt lở khiến các tấm lợp tôn không thể che chắn thêm được nữa. Thậm chí, một số đoạn lan can bị đứt gãy nhiều năm còn không được che chắn hay cắm biển cảnh báo cho người dân chú ý tránh xa. Ở dự án đường nhánh N13 đi từ cầu Song Phượng, huyện Đan Phượng đến xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, cơ quan chức năng có làm hàng rào để ngăn xe ôtô đi vào khu vực sạt lở, làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp đối phó tạm thời chứ không thể sửa chữa dứt điểm vấn đề hư hỏng tồn tại đã lâu.
Người dân còn phải chờ đến bao giờ?
Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/09/2016 của UBND Thành phố Hà Nội về ban hành quy định phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội ở Hà Nội, thành phố đã thống nhất quản lý toàn bộ lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn. Theo đó, công tác quản lý và khai thác công trình thủy lợi hiện nay được thành phố giao cho 4 công ty thủy lợi trực tiếp quản lý. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển Thủy lợi sông Đáy (Công ty Thủy lợi sông Đáy) là đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn 6 quận, huyện có hơn 500 tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 900km, trong đó có hệ thống kênh mương ở huyện Đan Phượng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về tình trạng sạt lở kênh mương Đan Hoài trên địa bàn huyện Đan Phượng, đại diện lãnh đạo Công ty Thủy lợi sông Đáy cho biết, công ty vẫn cho nhân viên đi kiểm tra hệ thống kênh mương thường xuyên. Theo báo cáo của đơn vị kiểm tra, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lan can bờ kênh và mái kênh sạt lở là do công trình kênh chính Đan Hoài đã đưa vào sử dụng từ lâu, bờ kênh kết hợp với giao thông, tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhiều xe trọng tải lớn đi lại gây rung lắc làm ảnh hưởng đến công trình. Phía công ty cũng khẳng định, phần lan can bờ kênh, vỉa hè thuộc trách nhiệm quản lý của UBND huyện Đan Phượng. Công ty chủ yếu chịu trách nhiệm quản lý, sửa chữa phần mái kênh.
Nhưng do địa bàn quản lý rộng mà kinh phí eo hẹp nên công ty sẽ phải ưu tiên những nhiệm vụ cấp bách hơn, ví dụ như các điểm sạt lở nghiêm trọng, không thể đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất thì công ty bắt buộc phải sửa chữa ngay lập tức. Tuy nhiên, các vị trí sạt lở lớn sẽ cần kinh phí nhiều, còn hàng năm công ty chỉ được cấp một nguồn kinh phí hạn chế để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng sửa chữa các hư hỏng nhẹ. Đối với những khu vực hư hại như thế này mà xa khu dân cư, không ảnh hưởng lớn đến giao thông và phục vụ sản xuất nông nghiệp, công ty sẽ chỉ tìm cách khắc phục tạm thời. Thực tế, hệ thống kênh mương Đan Hoài vẫn đang đảm bảo công tác tưới tiêu, phục vụ sản xuất của người dân, không để ách tắc nguồn nước.
Vào năm 2021, Công ty Thủy lợi sông Đáy có đưa các đoạn sạt lở ở mương Đan Hoài vào kế hoạch sửa chữa, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hà Nội, nhưng phần lớn các đoạn hư hỏng đều bị trùng với dự án của UBND huyện Đan Phượng, nên công ty không thực hiện để tránh gây lãng phí ngân sách.
Về phía UBND huyện, Phòng quản lý đô thị huyện Đan Phượng đã có Công văn số 486/QLĐT ngày 4/10/2021 đề nghị công ty Thủy lợi sông Đáy cung cấp dữ liệu phục vụ lập phương án, thiết kế đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng dự án: Cải tạo, chỉnh trang đường N2, N12 hạng mục kè, lan can, vỉa hè (đoạn từ Quốc lộ 32 đến cầu Trúng Đích, xã Hạ Mỗ). Trước đó, vào ngày 14/12/2020, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Đan Phượng cũng đã có Văn bản số 457/TCKH gửi Công ty Thủy lợi sông Đáy về việc “tham gia ý kiến thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án: Lắp đặt lan can thép tuyến đường N2”.
Tuy nhiên, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng lại cho biết, 2 dự án nêu trên đã trùng với dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua khu vực Đan Phượng. Do đó, UBND huyện tạm thời chưa triển khai các dự án này.
Cũng theo chia sẻ của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng, từ năm 2017 đến nay, đơn vị này chỉ được giao thực hiện các dự án duy tu, cải tạo vỉa hè, mặt đường mà không có hạng mục sửa chữa lan can.
Như vậy, người dân huyện Đan Phượng sẽ phải tiếp tục sống chung với hệ thống lan can ở kênh mương Đan Hoài vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Nhưng liệu họ sẽ phải chờ đợi đến bao giờ và trong thời gian tới có ai gặp tai nạn ở các khu vực lan can bị hư hỏng không thì không ai có thể biết được.