Hà Nội – Thành phố luôn vì hòa bình
Hà Nội để lại ấn tượng với du khách bởi sự an toàn, thân thiện hiếu khách và bề dày văn hóa truyền thống.
Không chỉ để lại ấn tượng với du khách bởi sự an toàn, thân thiện hiếu khách và bề dày văn hóa truyền thống, Hà Nội còn là nơi mà nhiều nguyên thủ của các quốc gia trên thế giới thoải mái trải nghiệm không khí yên bình.
Vinh danh từ những thăng trầm
Ngày 16/07/1999, Hà Nội vượt qua 70 ứng cử viên khác để được đề chọn là 1 trong 5 thành phố được UNESCO vinh danh Thành phố vì hòa bình. Đây là vinh dự, niềm tự hào không chỉ riêng đối với Hà Nội, mà còn đối với cả nước; là sự ghi nhận của quốc tế về bản chất đúng đắn và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
“Cá nhân tôi cho rằng, danh hiệu này, đối với con người và đất nước Việt Nam, đã khẳng định một điều rằng Hà Nội, cuộc sống tại Hà Nội đã trở thành một điều gì đó có ý nghĩa đặc biệt và giá trị với thế giới bên ngoài. Xét trên nhiều yếu tố khác nhau, tôi cho rằng danh hiệu này góp phần gia tăng hình ảnh, sự tự tin của thành phố - một sự tự tin giúp cho Hà Nội tích cực, chủ động hòa mình với khu vực và với thế giới”, ông Michael Croft – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhận định.
Suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, Thăng Long - Hà Nội đã chứng kiến bao đau thương, mất mát của chiến tranh bắt nguồn từ tham vọng của các thế lực ngoại bang hùng cường. Thế nhưng, tất cả những tham vọng đó đã phải cúi đầu khuất phục tại mảnh đất "lắng hồn núi sông ngàn năm", trước sức mạnh đoàn kết, tinh thần yêu nước của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.
Những chiến công lừng lẫy, hiển hách được sử sách ghi lại như: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Đông Bộ Đầu, Đông Quan, Đống Đa…và gần nhất, Hà Nội đã cùng các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" (tháng 12/1972), buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/1/1973). Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối.
Đất nước thống nhất, Hà Nội là một công trường lớn, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.
Không ngừng vươn lên
Ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, thành phố chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Từ đó đến nay, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi “mặt trận”, đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.
Kinh tế Thủ đô tăng trưởng ở mức khá, đạt 10,73% (2006 - 2010); 9,23% (2011 - 2015); 7,39% (2016 - 2020). Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8,1% dân số cả nước, nhưng Hà Nội đóng góp 16,46% về GRDP, 19,05% về thu ngân sách. Hiện Hà Nội là một trong những trung tâm thương mại, tài chính - tiền tệ của cả nước.
Lĩnh vực kết cấu hạ tầng được ưu tiên đầu tư phát triển, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác, như: cầu Nhật Tân cùng đường Võ Nguyên Giáp; Đường Vành đai 1; đường 5 kéo dài; đường Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy; đường Vành đai 3… Nhờ đó, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện đáng kể, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Luôn quan tâm phát triển văn hóa - xã hội để xứng đáng vị trí là trung tâm văn hóa của cả nước, Thành phố đã tổ chức quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội… Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh được phát triển với nhiều hình thức phong phú, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo phát triển toàn diện. Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước. Y tế có bước phát triển vững chắc, Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Các chính sách xã hội được thực hiện tốt, chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai tích cực.
Điểm đến an toàn, thân thiện
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tinh thần chiến đấu vì độc lập, tự do, khát vọng hòa bình và dựng xây quê hương của quân và dân Thủ đô không chỉ được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước ghi nhận, mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tôn vinh là “Thành phố của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”.
Chính trị, an ninh ổn định, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần được nâng cao, khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, du khách quốc tế chọn Hà Nội là điểm đến. Hà Nội còn là nơi mà nhiều nguyên thủ của các quốc gia trên thế giới thoải mái trải nghiệm không khí yên bình.
Trong chuyến thăm đến Hà Nội vào năm 2019, Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree và Phu quân đã thư thái đi dạo phố khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đường hoàng dự một bữa “tiệc bún chả” trong một nhà hàng bình dân, và tạt vào quán trà đá ven đường khi đi ra sân bay. Thủ tướng Australia John Howard thong thả chạy bộ buổi sáng ở hồ Hoàn Kiếm, còn Tổng thống Pháp Francois Hollande thì hòa mình vào không gian phố cổ…
Lùi về trước nữa, là cái bắt tay thân thiện của Tổng thống Mỹ Bill Cliton vào tháng 11/2000 với người dân Hà Nội từ ban công một tòa nhà đối diện Văn Miếu – Quốc Tử giám. Năm 2006, Tổng thống Mỹ George Bush cùng phu nhân tới cầu nguyện tại nhà thờ Cửa Bắc, trò chuyện cùng đội hợp xướng và những người dân tại nhà thờ. Người đứng đầu các quốc gia Nga, Đức… cũng từng tới thăm thủ đô Hà Nội, trải nghiệm những phút giây thư thái, đi dạo thăm Văn Miếu – Quốc Tử giám, các trường Đại học và trên đường phố Thủ đô.
Những hình ảnh rất đời thường trên đã thêm nét chấm phá thuyết phục về bức tranh thanh bình của Hà Nội - thành phố yêu hòa bình, an toàn và hiếu khách.
Địa linh nhân kiệt, vươn tới tương lai
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội không chỉ xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” thông qua 5 tiêu chí mà đạt được hơn thế nữa khi đã tôn vinh được giá trị của mình.
Theo ông Nghiêm, những truyền thống văn hóa của Hà Nội ngày càng được thể hiện rõ nét qua các khía cạnh tạo sự bình đẳng, thân thiện mến khách, bảo tồn di sản, phát huy lợi thế cảnh quan thiên nhiên. Kết quả về phát triển giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị mới, công trình kiến trúc xanh, khôi phục các làng nghề truyền thống…là minh chứng cho thấy Hà Nội đã làm tốt được vai trò của mình.
“Thời gian tới, chúng ta đứng trước không ít thách thức nhưng Hà Nội có nhiều tiềm năng cần khai thác. Nếu như trước kia chúng ta phát triển Hà Nội để tạo ra sự bền vững chỉ ở phía Nam sông Hồng, thì nay đang tiến tới phát triển cả vùng Hà Nội mới.
Một lợi thế nữa là Hà Nội đã và đang chủ động liên kết các vùng trọng điểm trên cả nước và kết nối với thủ đô của hơn 110 quốc gia trên thế giới. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, định hướng phát triển mới, đặc biệt là những đột phá mới, hy vọng Hà Nội sẽ làm cho danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” tỏa sáng hơn”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm kỳ vọng.
GS.TS.NDND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô: “Đã 11 thế kỷ kể từ mùa thu Canh Tuất 1010, đức Lý Thái Tổ ban ‘Chiếu dời đô’, quyết định dời kinh đô Đại Việt từ Hoa Lư về định đô tại đất “Rồng bay”, Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn khẳng định một vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài bốn phương để kiến tạo nên Thăng Long - Hà Nội rạng ngời trong lịch sử, vẫn lắng đọng hồn núi sông ngàn năm, với những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, để tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc, ‘Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người’, ‘Thủ đô anh hùng’, ‘Thành phố vì hòa bình’”.
PV