EVN được giao xây dựng phương án điều chỉnh giá điện
Bộ Công Thương phải chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án điều chỉnh giá điện và đề xuất thời điểm điều chỉnh phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng đầu năm 2023.
Trong đó đối với điện, Bộ Công Thương phải khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2023; sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07 tháng 4 năm 2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2023.
Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án điều chỉnh giá điện và đề xuất thời điểm điều chỉnh phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân sẽ có tăng, có giảm với biên độ được quy định rõ ràng. Cụ thể, trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ giảm giá bán ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp tăng giá sẽ được áp dụng khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên. Tuy nhiên, thẩm quyền điều chỉnh tăng giá sẽ căn cứ vào mức độ tăng của giá bán điện bình quân.
Trong đó, nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ được quyền điều chỉnh tăng ở mức tương ứng. Sau khi tăng, EVN sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ có thẩm quyền quyết định khi nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN.
Còn với trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.
Anh Đào