Dự báo diễn biến của giá vàng trong những tháng cuối năm
Với sự tác động của giá vàng thế giới, sau khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao qua từng tháng ở tại Mỹ, nhiều chuyên gia và đầu tư cho rằng, thời gian tới, nếu giá vàng thế giới tiếp tục phá kỷ lục đã lập được từ hồi đầu năm thì sẽ kéo giá vàng trong nước tăng theo yếu tố tâm lý.
Hơn một tháng qua, giá vàng miếng SJC không có sự điều chỉnh, giữ nguyên tại vùng giá 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua - bán). So với mức đỉnh 92,4 triệu đồng thiết lập ngày 10/5, giá vàng miếng đã giảm hơn 15 triệu đồng/lượng.
Từ đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước tăng cung vàng miếng ra thị trường thông qua việc bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC. Gần 1 tháng qua, giá bán vàng từ Ngân hàng Nhà nước không đổi nên giá bán vàng của các ngân hàng và Công ty SJC vì thế cũng giữ nguyên.
Trong khi giá vàng miếng bất động, giá vàng nhẫn liên tục biến động theo giá vàng thế giới. Từng luôn thấp hơn giá vàng miếng SJC, nhưng cùng với đà tăng giá ở thị trường thế giới, giá vàng nhẫn tròn trơn đang ngày càng tiến sát hơn với giá vàng miếng, hiện chỉ thấp hơn vàng miếng chưa đầy 1 triệu đồng/lượng (bán ra) và gần 400.000 đồng/lượng (mua vào).
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh cơ hội và lợi nhuận đầu tư đa số các lĩnh vực khác gặp khó khăn, thì những động thái chênh lệch giá vàng nêu trên đã làm tăng các hoạt động buôn lậu vàng. Thậm chí, tăng xu hướng sùng bái, kể cả “tiền tệ hóa” vàng SJC và tạo cơ hội cho những hoạt động đầu cơ, trục lợi và lợi ích nhóm gắn với việc sản xuất và kinh doanh vàng SJC trên thị trường trong nước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc kiểm soát chặt chẽ đang đặt thị trường vàng ra ngoài nguyên tắc cung cầu của thị trường cạnh tranh. Mặc dù, sự ổn định đang được thiết lập nhưng sẽ kéo dài bao lâu và liệu có được duy trì bền vững hay không cũng còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhu cầu vàng miếng đang bị khống chế ngặt nghèo bởi nguồn cung nhỏ giọt; kéo theo đó là sự tái lập của thị trường chợ đen. Điều này hình thành những cơn sóng ngầm có nguy cơ gây bất ổn thị trường; nhất là khi giá vàng nhẫn lại đang có xu hướng vượt tăng hơn so với giá vàng miếng.
Theo ông Hiếu, dù cũng có thể lạc quan đối với sự ổn định của thị trường vàng hiện tại nhưng đừng quên xu hướng và quy luật của cung cầu. Nếu Việt Nam mong muốn thực hiện một thị trường tự do và cạnh tranh thì phải bình ổn được 2 yếu tố: Một là giá cả và hai là cán cân cung cầu. Giá vàng miếng hiện đã được kéo xuống rất thấp, đó là điều tích cực. Nhưng để giá quanh 77 triệu đồng/lượng được duy trì lâu dài thì nguồn cung phải dồi dào, để cung cầu gặp nhau, đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
Theo PGS-TS Võ Thị Vân Khánh (Học viện Tài chính), sự chênh lệch và cơn sốt săn vàng SJC khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi do phải mua vàng với giá đắt và nhiều người dân tất toán tiền tiết kiệm, chuyển sang nắm giữ vàng.
Không chỉ vậy, dòng tiền trong nền kinh tế bị vướng vào vòng luẩn quẩn: Nhà đầu tư chuyển vốn vào vàng, khiến nền kinh tế khan hiếm tiền vào đầu tư, sản xuất; khiến chính sách phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn, phục hồi xu hướng vàng hoá và tiền tệ hóa vàng SJC.
“Việc giá chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, cũng như giữa vàng SJC với các vàng thương hiệu khác cho thấy sự tắc nghẽn trong liên thông thị trường trong nước và quốc tế, cũng như sự thiếu minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các thương hiệu vàng trong nước”, bà Khánh nêu.
Theo TS Hà Thị Đoan Trang, năm nay có nhiều yếu tố thúc đẩy vàng tăng giá (sự căng thẳng ở Đông Âu và Trung Đông; Fed cắt giảm lãi suất có thể diễn ra vào quý 3/2024 kéo theo ngân hàng trung ương nhiều nước cũng cắt giảm lãi suất; cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ cũng gây nên tâm lý bất ổn thúc đẩy xu hướng tích trữ vàng; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cùng với các lệnh trừng phạt Nga làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ngân hàng trung ương các nước vẫn tích cực mua vàng…), nhưng cũng nhiều yếu tố hỗ trợ cho việc giảm giá vàng.
Cụ thể, nhu cầu dự trữ vàng của Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chững lại sau khi đã tích trữ được 1.264 tấn vàng vào tháng 5.2024. Sức cầu giảm hỗ trợ giá vàng giảm trong tương lai.
Tại Việt Nam, NHNN đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, khả năng sẽ tác động tích cực tới việc bình ổn giá vàng khi nguồn cung được nới lỏng.
Theo bà Trang, giá vàng đã tăng cao ở mức kỷ lục từ trước tới nay và đã có xu hướng giảm trong vòng hơn 1 tháng qua. Khả năng cao trong những tháng cuối năm 2024, giá vàng sẽ bình ổn và dao động ở mức giá hiện tại ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Tiến Hoàng