Doanh thu năm 2023 của doanh nghiệp nhà nước ước đạt 1.416 nghìn tỷ
Năm 2023, doanh thu của nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước ước đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Dự kiến, nộp ngân sách gần 130.000 tỷ đồng.
Sáng ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Báo cáo trước Hội nghị về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư và phát triển của DNNN, Bộ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ KH-ĐT) cho biết, đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp.
Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của DNNN trên toàn quốc đạt 3.821.459 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021.
Về tình hình kinh doanh, Bộ KH-ĐT cho hay, 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của DNNN là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỷ đồng, tương đương 63% kế hoạch năm.
Hết năm 2023, tổng doanh thu của DNNN ước đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra; ; tổng lãi phát sinh trước thuế 117.388 tỷ đồng, tăng 9%. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước của DNNN cả năm 2023 ước đạt 128.821 tỷ đồng, tăng 7%.
Thống kê đến tháng 8/2023, một số DNNN có tổng doanh thu lớn là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (đạt 350.525 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch năm và giảm gần 6% so với cùng kỳ năm 2022); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (đạt 250.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (đạt 169.000 tỷ đồng, bằng 89% kế hoạch năm và giảm 16% so với cùng kỳ năm trước), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (đạt 112.100 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch năm và nhich 1% so với cùng kỳ năm 2022),...
Theo Bộ KH-ĐT, trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn chung do tác động của chiến tranh Nga-Ukraine và các bất ổn của kinh tế thế giới, các DNNN cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đáng giá chung năm 2022 và 8 tháng năm 2023, Bộ KH-ĐT cho rằng, về cơ bản, các DNNN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên.
Một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn Nhà nước,...
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Các tập đoàn, tổng công ty chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho dự án…
Bộ KH-ĐT cho răng cần tập trung củng cố, phát triển một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực để giữ vững vị trí then chốt của nền kinh tế (năng lượng, trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng sạch), kết cấu hạ tầng quốc gia, tài chính, công nghiệp viễn thông, công nghiệp bán dẫn, công nghệ lõi...) và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước.
H. An