Dệt sợi Damsan (ADS) lên kế hoạch lãi trước thuế năm 2024 giảm gần 79%
Dù ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2023, Công ty Cổ phần Damsan (HOSE: ADS) bất ngờ đặt mục tiêu lãi trước thuế 2024 đi lùi gần 79%.
Kỳ vọng doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận suy giảm
Công ty Cổ phần Damsan vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua kế hoạch SXKD năm 2024 với mục tiêu đạt hơn 2.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 47% nhưng lãi trước thuế chỉ hơn 19 tỷ đồng, giảm gần 79% so với kế hoạch năm 2023.
Bên cạnh đó, Damsan lên kế hoạch sản xuất 1.200 tấn sợi xe, 720 tấn khăn bông cao cấp và 1.200 tấn khăn tay bông thủ công; kinh doanh thương mại 14.400 tấn bông thương mại, 13.200 tấn sợi cọc gia công; xây dựng 70 căn nhà ở thương mại.
Nguyên nhân chính có thể là do chi phí tài chính năm 2024 dự báo vượt mức 2.200 tỷ đồng, trong khi cả năm 2023 chỉ gần 46 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2023, Dệt sợi Damsan ghi nhận tổng doanh thu thuần 1.642 tỷ đồng, giảm 2,6% so với năm 2022, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 90 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 55% mục tiêu doanh thu và 82% mục tiêu lợi nhuận.
Ban lãnh đạo Dệt sợi Damsan cho biết, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ giá bông trong quý cuối cùng của năm 2023 đã giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, mảng bất động sản khu công nghiệp bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh chung với việc ghi nhận doanh thu cho thuê đất tại cụm công nghiệp An Ninh (quy mô 74 ha, tỉnh Thái Bình).
Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn tích cực hơn so với mặt bằng chung ngành xơ sợi trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm may mặc ở mức yếu, kéo dài trong cả năm 2023. Phần lớn các doanh nghiệp xơ sợi đều ghi nhận kết quả kinh doanh "đi lùi" trong năm 2023.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Damsan đạt gần 2.536 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Phần lớn tài sản của doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở các khoản phải thu ngắn hạn với 892 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 35%. So với đầu năm, khoản mục này đã tăng 7,5%.
Khoản mục hàng tồn kho tăng 16%, đạt 520 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Trong đó, Dự án Khu đô thị Phú Xuân chiếm 143 tỷ đồng, Dự án Khu dân cư Bồ Xuyên chiếm gần 80 tỷ đồng, và Dự án Cụm công nghiệp An Ninh chiếm 117 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt của doanh nghiệp trở nên dồi dào hơn khi tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận ở mức 152 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với số đầu năm và tăng tới 3,9 lần so với thời điểm ngày 30/9/2023. Ngoài ra, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn lại tăng gần 17%, lên mức 380 tỷ đồng, bao goofm 65 tỷ đồng tiền chứng khoán kinh doanh và 315 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.
Về chứng khoán kinh doanh, Damsan đang nắm giữ hai loại trái phiếu của Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank, HOSE: AGR) với tổng giá trị là 60 tỷ đồng và 500 trái phiếu có mệnh giá 10.000.000 đồng/trái phiếu, tương đương 5 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, HOSE: CTG).
Tổng nợ phải trả của Damsan đạt xấp xỉ 1.605 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ, gấp 1,72 lần vốn chủ sở hữu. Tổng nợ vay là 893 tỷ đồng, gồm 817 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và 75 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
Trung Anh