Đề xuất mở rộng trường hợp được vay vốn tạo việc làm
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng thêm nhiều trường hợp thuộc diện được vay vốn tạo việc làm so với quy định hiện hành.
Điều 10 Luật Việc làm năm 2013 quy định về tín dụng ưu đãi tạo việc làm. Theo đó, Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác.
Trong khi đó, theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), quy định về tín dụng chính sách giải quyết việc làm: Nhà nước thực hiện tín dụng chính sách để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), cũng bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.
Theo đó, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm bao gồm: Quỹ quốc gia về việc làm; Nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội; Nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định hằng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định bố trí vốn ngân sách của địa phương bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên và nguồn vốn hợp pháp khác, giao UBND cùng cấp ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương để thực hiện cho vay giải quyết việc làm.
Cũng tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng thêm nhiều trường hợp thuộc diện được vay vốn tạo việc làm so với quy định hiện hành.
Theo đó, ngoài những nhóm truyền thống như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, dự thảo hướng đến các nhóm như: người chăm sóc người khuyết tật nặng, hộ mới thoát nghèo, thân nhân người có công, người thuộc xã đặc biệt khó khăn, người có đất thu hồi…
Mới đây, tại phiên Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ bản thống nhất với việc sửa đổi Luật Việc làm, nhiều vấn đề thực tiễn để củng cố cơ sở, lập luận về tính khả thi của các chính sách về hỗ trợ việc làm; việc nghiên cứu, rà soát các đối tượng; nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; thông tin thị trường lao động; mức đóng bảo hiểm thất nghiệp…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Cùng với đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động… để bảo đảm tính minh bạch, khả thi của dự thảo luật.
Khánh An (t/h)