Cienco4 làm giả tài liệu trong đấu thầu: Xử phạt hành chính hay xử lý hình sự?
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Nam chính thức “cấm cửa” Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (Cienco4) thời gian 4 năm liền không được tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công do các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh Hà Nam
Và các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Nam quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 làm giả tài liệu
UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành Quyết định số 853/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng ký “về việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (mã số doanh nghiệp: 2900324850)”, lý do Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 làm giả tài liệu trong đấu thầu gói thầu số 11: Thi công xây lắp thuộc Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện theo quy hoạch tuyến đường N1, D1 Khu Đại học Nam Cao; vi phạm điểm a, khoản 4, Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023.
Về phạm vi cấm đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4, UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: “Cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công do các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh Hà Nam và các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Nam quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu”.
Quyết định có hiệu lực thi hành: “Kể từ ngày Quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu này có hiệu lực đến hết thời hạn 4 năm”.

UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo: “Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao, Sở Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung, số liệu báo cáo, tham mưu, đề xuất; Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao có trách nhiệm đăng tải Quyết định này lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định”.
Xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, về trình tự ban hành quyết định cấm Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 tham gia hoạt động đấu thầu, UBND tỉnh Hà Nam đã dựa trên đề nghị của Ban quản lý Khu Đại học Nam Cao vào ngày 28/4/2025. Tiếp theo là đề nghị của Sở Tài chính, ngày 29/4/2025.
Sau khi nhận được đề nghị của Sở Tài chính, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh đã họp, lấy ý kiến để đi đến quyết định cuối cùng. Điều này được thể hiện tại Thông báo số 1550/TB-VPUB ngày 5/5/2025 của Văn phòng UBND tỉnh về việc cho ý kiến đối với đề nghị của Sở Tài chính xử lý vi phạm đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4.
Luật sư Doãn phân tích tiếp, UBND tỉnh Hà Nam đã căn cứ vào Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, ngày 19/2/2025; Luật Đấu thầu, ngày 23/6/2023; Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu để làm căn cứ xử lý vi phạm của Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4.
Về Luật Đấu thầu, UBND tỉnh Hà Nam đã viện dẫn Điều 87: “Xử lý vi phạm”. Cụ thể: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Luật này còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 6 tháng đến 5 năm…”.
Ở sự việc này, Chủ tịch UBND tỉnh là người có thẩm quyền quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu.
Cùng với Luật đấu thầu, UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục viện dẫn điểm a, khoản 1, Điều 125, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, ngày 27/02/2024 của Chính phủ để chứng minh thời gian “cấm cửa” đối với doanh nghiệp trong 4 năm liền hoàn toàn có căn cứ.
Đồng tình với quan điểm của luật sư Hoàng Văn Doãn, luật sư Bùi Phương Tuyến, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đưa ra một góc nhìn khác. Mặc dù UBND tỉnh Hà Nam không thể hiện chi tiết vi phạm cụ thể của doanh nghiệp nhưng bằng việc áp dụng Điểm a, Khoản 1, Điều 125 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, ngày 27/2/2024 của Chính phủ vào chế tài xử lý vi phạm của doanh nghiệp cho thấy rõ hơn nguyên nhân vì sao UBND tỉnh Hà Nam phải có động thái quyết liệt.
Cụ thể, mục 3 điểm a khoản 1 Điều 125: “Xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu” ghi rõ: “Thời gian cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, bao gồm cả cá nhân thuộc chủ đầu tư, bên mời thầu: Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các khoản 1, 2, 4 và điểm a khoản 3 Điều 16 của Luật Đấu thầu…”.
Khoản 1, 2 và điểm a khoản 3 Điều 16 Luật Đấu thầu đề cập: “Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu” của Luật Đấu thầu gồm: “Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dưới mọi hình thức; Dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu…”.
Khoản 4, Luật Đấu thầu chỉ rõ: “Gian lận bao gồm các hành vi sau đây: Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu; Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”.
Về xử lý hành chính, hành vi gian lận trong đấu thầu (sử dụng hồ sơ giả, tài liệu giả để tham gia đấu thầu) sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng theo quy định tại Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, việc gian lận trong đấu thầu cũng có thể bị xử lý hình sự - bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 (được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
Bên cạnh đó, tùy vào mức độ vi phạm, các tình tiết và tính chất vụ việc mà người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các khung hình phạt tương ứng và hình phạt cao nhất đối với người phạm tội do làm giả thông tin trong hồ sơ đấu thầu là 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên, Quyết định số 853 /QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Nam không đi sâu vào các tình tiết này và có lẽ bản chất sự việc chưa đến mức trầm trọng hơn thế.
“Mặc dù UBND tỉnh Hà Nam không nêu các vi phạm cụ thể của Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4, nhưng cái giá lớn nhất mà doanh nghiệp này phải trả là đã đánh mất niềm tin với khách hàng. Tự tay bôi đen thương hiệu của mình, có lẽ phải mất nhiều thời gian doanh nghiệp này mới tẩy sạch được vết đen ấy”, luật sư Tuyến nói.