Chung cư cũ ở Hà Nội nếu cải tạo bồi thường ra sao?
Hà Nội dự kiến hệ số bồi thường không vượt quá 2 lần diện tích căn chung cư cũ khi được cải tạo, xây dựng lại.
Bồi thường không vượt quá 2 lần diện tích sử dụng cũ
Dự thảo cải tạo chung cư cũ theo hình thức xã hội hóa sẽ được UBND thành phố Hà Nội lấy ý kiến nhân dân từ ngày 15/12, trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là bồi thường tối đa gấp đôi diện tích căn hộ cũ.
Cụ thể, đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư do nhà nước trực tiếp thực hiện, hệ số K bồi thường bằng 1 lần. Đối với phần diện tích căn hộ tái định cư vượt quá hệ số K bằng 1 hoặc dự án không cân đối được tài chính thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí để đầu tư xây dựng đối với phần diện tích này hoặc phần không cân đối được hiệu quả tài chính. Chi phí đóng góp được tính theo giá trị để đầu tư xây dựng dự án phân bổ đều cho 1 mét vuông diện tích sàn căn hộ tái định cư.
Đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không thuộc trường hợp quy định nêu trên, hệ số K bồi thường được xác định trên cơ sở một số nguyên tắc và tiêu chí.
Về hệ số K bồi thường không vượt quá 2 lần diện tích sử dụng cũ ghi trong Giấy chứng nhận được cấp qua các thời kỳ hoặc diện tích đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Nghị định 69 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Căn hộ mới được đền bù có diện tích không nhỏ hơn 25 m2
Với căn hộ mới được đền bù có diện tích không nhỏ hơn 25 m2 và đảm bảo tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45 mét vuông không vượt quá 25% tổng số căn hộ chung cư của dự án theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư.
Về diện tích sàn xây dựng nhà ở, nhà đầu tư cân đối giữa tổng diện tích sàn nhà ở theo quy hoạch được duyệt, theo nguyên tắc sau khi đền bù diện tích sàn nhà ở mới cho các chủ sở hữu, diện tích sàn nhà ở còn lại chủ đầu tư được kinh doanh thương mại (bán, cho thuê) theo quy định để bù đắp kinh phí đầu tư xây dựng dự án, đảm bảo hiệu quả tài chính của dự án. Việc sử dụng phần diện tích còn lại để kinh doanh phải đảm bảo tổng dân số của dự án không vượt quá dân số đã được phê duyệt theo quy hoạch.
Riêng với phần diện tích kinh doanh thương mại, theo dự thảo quy định, phần diện tích còn lại sau khi bố trí cho các chủ sở hữu tầng 1 của nhà chung cư cũ, chủ đầu tư được kinh doanh thương mại để bù đắp kinh phí đầu tư xây dựng dự án, đảm bảo hiệu quả tài chính của dự án.
Hệ số bồi thường K được xác định trên cơ sở đảm bảo khả năng cân đối hiệu quả tài chính của dự án, xác định điểm hoà vốn của dự án theo phương pháp thặng dư trên nguyên tắc tổng doanh thu dự kiến từ dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trừ đi tổng chi phí dự kiến nhà đầu tư phải bỏ ra để thực hiện dự án từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi dự án đi vào vận hành khai thác (các chi phí đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật); mức lợi nhuận định mức nhà đầu tư được hưởng được tính bằng 14% tổng chi phí nhà đầu tư bỏ ra (theo mức lợi nhuận trong phương pháp thặng dư tính tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố).
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của dự án tại từng khu vực, hồ sơ hiện trạng nhà chung cư, hồ sơ quy hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, UBND cấp huyện có trách nhiệm xây dựng hệ số K bồi thường, gửi Sở Xây dựng để chủ trì cùng các Sở, ngành có liên quan rà soát, tổng hợp báo cáo UBND thành phố phê duyệt theo quy định, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Đối với phần diện tích căn hộ tái định cư vượt quá hệ số K đã xác định tại phương án bồi thường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và trường hợp giá trị căn hộ tái định cư nhỏ hơn giá trị căn hộ cũ sau khi quy đổi theo hệ số K, dự thảo quy định nêu, sẽ thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định 69/2021.
Vấn đề liên quan đến các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, dự thảo yêu cầu nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% sơ bộ tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% sơ bộ tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Vốn chủ sở hữu được xác định trên cơ sở kết quả báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc kết quả báo cáo kiểm toán độc lập của doanh nghiệp đang hoạt động. Nhà đầu tư cũng phải có kinh nghiệm thực hiện tối thiểu 1 dự án khu đô thị có nhà ở hoặc 1 dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy mô tương tự với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư dự kiến đăng ký tham gia…
Theo dự thảo quy định chi tiết Nghị định 69/2021, với dự án cải tạo, xây lại nhà chung cư do Nhà nước thực hiện, hệ số bồi thường (hệ số K) là 1. Nếu căn hộ mới có diện tích lớn hơn căn cũ, chủ sở hữu phải trả tiền cho phần chênh lệch.
Hiện việc tính hệ số K khi xây dựng, cải tạo chung cư cũ được thành phố áp dụng theo Quyết định 48/2008. Không phân biệt căn hộ nhà nước hay xã hội hóa, chung cư cũ khi xây lại đều có chung hệ số K là 1,3, nhân với hệ số chuyển tầng.
Cụ thể, với căn hộ cũ ở tầng 1, khi xây mới nếu ở tầng 2 sẽ có hệ số chuyển tầng là 0,1 và cứ lên thêm một tầng tăng 0,1 cho đến mức tối đa 0,5 (từ tầng 6 trở lên).